Một trong những nội dung được các đại biểu (ĐB) QH cho ý kiến nhiều nhất là việc có nên giảm còn một phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số phó trưởng ban chuyên trách HĐND cấp tỉnh.
Theo các ĐB, việc tinh giản bộ máy HĐND các cấp là chủ trương đúng nhưng không nên làm một cách máy móc, phải giữ được chất lượng hoạt động.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cấp huyện giảm còn một người là được nhưng cần giữ nguyên phó trưởng ban chuyên trách như hiện nay. “Riêng cấp tỉnh phải có hai phó chủ tịch HĐND để điều hành công việc hiệu quả, nếu chỉ một người sẽ rất khó đảm đương công vụ. Về biên chế, 63 người không là bao nhiêu trong tổng biên chế chung” - ông Hòa nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) lưu ý rằng cơ quan dân cử cần phải có tiếng nói rộng rãi, có sự đại diện hợp lý cho nhân dân nên cũng không chỉ nhìn vào số lượng đó để giảm một đại biểu thì giảm bao nhiêu kinh phí. Cách nói “giảm bao nhiêu tiền một ĐB” là cái nhìn “thiển cận và rất đau lòng”, từ đó bà đề nghị phải thực hiện trên nguyên tắc là “hiệu quả, hiệu lực” của tổ chức bộ máy chứ không phải chỉ vấn đề tiền và biên chế.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định không có sự khác nhau trong tinh giản biên chế giữa HĐND và UBND vì cả hai là một, “là thể chế chính trị duy nhất của chúng ta”. “Đối với Thường trực HĐND, nếu chủ tịch là chuyên trách thì có thể một phó chủ tịch chuyên trách, như vậy trong các lãnh đạo của HĐND có không dưới hai chuyên trách. Không để chủ tịch và phó chủ tịch HĐND chỉ có một người để khi đồng chí đó vắng thì đã có đồng chí khác. Nếu chủ tịch không chuyên trách thì hai phó chủ tịch chuyên trách là phù hợp” - ông nói và cho rằng cơ cấu các ban của HĐND cấp tỉnh cũng thiết kế như vậy là phù hợp.
Về phân cấp, phân quyền, ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng việc phân định thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng cho Luật Chính quyền địa phương rất chung chung, gây lúng túng trong điều hành, xử lý công việc ở địa phương. “Do không có tiêu chí cụ thể nên văn bản luật thường trao quyền chung cho UBND cấp tỉnh, dẫn đến hiện tượng lệ thuộc tập thể, trói buộc quyền và trách nhiệm của cá nhân, hội họp nhiều và mất thời gian chờ kỳ họp thường kỳ của UBND” - ĐB Yến nói.
Phân tích những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền hiện hành, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng cần nghiên cứu vấn đề này một cách toàn diện, sâu sắc hơn, có cơ chế kiểm soát…
Giải trình thêm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay việc phân cấp theo lĩnh vực lần này sẽ giảm các cơ quan trung gian ở trung ương và phân nhiều quyền cho địa phương, giúp địa phương tự chủ hơn trong quyết sách những vấn đề trên địa bàn.