Phan Xi Nê từ ‘kẻ tội đồ’ đến đạo diễn triệu đô

Cho đến ngày 8-1, sau hơn một tháng trụ rạp, phim đã có hơn 1,2 triệu lượt xem. Và cũng ít ai ngờ rằng đây lại là phim điện ảnh đầu tay của một đạo diễn với cái tên lạ hoắc - Phan Gia Nhật Linh. Phan Gia Nhật Linh là một cái tên lạ nhưng Phan Xi Nê lại là một cái tên nhiều người đã thấy đâu đó.

Nhà bình phim tưng tửng

Phan Xi Nê là bút danh của tác giả chuyên có những bài phê bình phim gợi nhiều cảm hứng cho độc giả trên các báo và tạp chí ngày xưa. Hay như chính đạo diễn này viết về mình: “Tui tên là Phan Xi Nê vì họ tui là Phan và tui mê xinê. Phan Xi Nê hay fan cinema”. Mê phim nên anh coi phim nhiều, so sánh nhiều, biết nhiều… nên cũng gây ra nhiều “nỗi đau” không tên cho các nhà làm phim Việt khi anh bình về phim họ. Không chỉ trên báo mà trên mạng, người ta sẽ được đọc những bài bình phim của Phan Xi Nê tửng và chua cay, vì thế nhiều người gọi anh là tội đồ.

Ngoài chuyện cái tên trên báo như một nhà phê bình phim, trong thời gian kỹ thuật số thay đổi từ diễn đàn điện ảnh sang blog 360 của Yahoo, rồi Blogspot đến Facebook, Phan Xi Nê cũng dần thay đổi. Những bài viết nằm từ blog mang tên Phan Xi Nê (phanxine.com); rồi Facebook phát triển, mọi người lại thấy một Phan Tễu có mở ngoặc bên dưới theo “thời cuộc” là Phan Gia Nhật Linh khi Facebook bắt đổi tên thật.

Những thay đổi đó cũng gắn với những tháng ngày anh từ người viết bình phim thành người chụp ảnh hiện trường, viết kịch bản, tham gia sản xuất… Và bước ngoặt lớn nhất khi anh là người đầu tiên nhận học bổng của Quỹ Ford (Ford Foundation) để vào học khoa Sản xuất phim tại ĐH Nam California (USC) - một đại học hàng đầu của Mỹ về điện ảnh.

Sau khi về Việt Nam, anh làm nhiều vai trò khác như sản xuất, đạo diễn hậu trường, phó đạo diễn… Nhưng mãi mà những ai chờ phim anh vẫn không có phim để xem. Rồi mọi người lại thấy Phan Xi Nê xuất hiện khi anh cùng hai người bạn là Marcus Mạnh Cường Vũ và Vũ Quỳnh Hà (nhà sản xuất Em là bà nội của anh) sáng lập ra liên hoan phim trực tuyến đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Tiệc phim ngắn YxineFF. YxineFF trở thành sân chơi cho các nhà làm phim trẻ và đưa nhiều dự án phim độc lập đến được với khán giả cũng như các liên hoan phim quốc tế khác.

Đùng đùng trở lại

Trong suốt năm 2015, “mất tích” trên blog, Facebook thì Phan Xi Nê thi thoảng nói vu vơ cho vui chứ không nói gì nhiều về phim ảnh nữa. Và YxineFF tuyên bố giải tán… Cuối năm 2015, Phan Xi Nê đùng đùng trở lại cho ra mắt Em là bà nội của anh, một phim làm lại từ phiên bản Miss Granny của Hàn Quốc trong vai trò đạo diễn.

Còn nhớ vào đầu năm 2014, khi bộ phim Miss Granny của Hàn Quốc ra rạp, trong một bài viết trên blog của mình, Phan Xi Nê từng “chê”, không đi xem bởi “Tui không có hứng thú gì, ngay cả xem cái trailer xong tui thấy cũng chả có gì đặc biệt”. Và “gậy ông đập lưng ông”, khi Em là bà nội của anh của Phan Xi Nê công chiếu, rất nhiều khán giả cũng thấy “chả có gì đặc biệt” bởi phim chẳng có diễn viên tên tuổi, tên phim nghe cứ hài nhảm, đã vậy còn là một phim làm lại của Hàn Quốc (ngay cả phim Hàn Quốc ra rạp Việt cũng không ăn bằng phim Mỹ). Thế nhưng nếu ngày trước Phan Xi Nê ngỡ ngàng về Miss Granny: “Ai ngờ cái phim nó rất là hay!” sau khi anh “rảnh rỗi đi xem phim này tại Liên hoan phim quốc tế Okinawa (Nhật Bản)” thì khán giả Việt cũng ngỡ ngàng với nhiều cung bậc cảm xúc Em là bà nội của anh mang lại.

Nếu coi phiên bản Hàn Quốc, khán giả chỉ dừng lại ở một câu chuyện xúc động bởi họ tìm thấy mình đã bỏ qua cả phần đời tuổi trẻ, không sống cho ước mơ của mình thì điều Em là bà nội của anh đem đến cho khán giả nhiều hơn thế. Đó là cả một câu chuyện của văn hóa Việt với Sài Gòn trong con hẻm, công viên; bún bò Huế nhớ nêm thêm mắm ruốc; giữa hồ bơi chơi nhạc sàn vẫn có thể được “bà trẻ” dạy về mất mát của những cuộc chiến đã qua; hay là nhạc Trịnh, nhạc Văn Phụng, là hình ảnh nghệ sĩ Thanh Nga cùng con trai là nghệ sĩ Hà Linh mà người Việt nào cũng nhớ… Tức những xúc cảm trong chuyện phim của khán giả Việt được gắn với bối cảnh, văn hóa Việt một cách nhẹ nhàng, người trẻ cũng thấy mình trong đó và người ba mươi - trung niên cũng có thể thấy mình.

Hiện Phan Xi Nê 37 tuổi, phim đầu tay đã có hơn 1,2 triệu lượt xem, thu về gần 84 tỉ đồng và anh đã trở lại blog.

Đạo diễn Phan Đăng Di không rời ghế khi xem Em là bà nội của anh

Em là bà nội của anh nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả là điều dễ hiểu nhưng để lấy được lời khen của giới chuyên môn không dễ. Đạo diễn Phan Đăng Di, một đạo diễn vốn khó tính với những dự án phim nghệ thuật, đã chia sẻ: “Em là bà nội của anh là một phim rất tốt. Nhiều người nói phim làm lại sẽ dễ làm, tôi lại cho rằng phim làm lại mới khó làm. Một kịch bản hoàn toàn đã được khán giả biết trước nội dung thì làm sao giữ được họ trong suốt thời gian phim chiếu là điều không dễ. Có lẽ không phải chỉ tôi mà nhiều người đã bị Em là bà nội của anh níu lại rạp từ đầu đến cuối phim mà không muốn rời rạp”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm