Ai được công bố lời khai của bị cáo?

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 29-4 có bài “Chủ tọa nhờ thư ký công bố lời khai, được không?” phản ánh tình huống tố tụng gây tranh cãi. Tình huống này không chỉ xảy ra ở TAND tỉnh Tây Ninh mà trên thực tế nó đã từng xảy ra đâu đó ở vài nơi.

Nếu mệt sao không nhờ hội thẩm?

Các quy định về thủ tục phiên tòa, quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng tại phiên tòa đã được quy định tương đối đầy đủ trong BLTTHS và nội quy phiên tòa. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vẫn có những trường hợp mà pháp luật chưa dự liệu, như trường hợp “ai là người được công bố lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng có trong hồ sơ vụ án”. Hay nếu luật sư đã gửi bài bào chữa đến phiên tòa mà vắng mặt thì ai là người đọc bài bào chữa đó. Ngoài ra, công văn của các cơ quan, ban, ngành hoặc của nguyên đơn dân sự gửi đến phiên tòa, nếu cần phải công bố thì ai là người đọc… Vì vậy, hiện có tình trạng mỗi nơi thực hiện một khác, không thống nhất nhau.

Trước đây, khi chưa có BLTTHS, vào những năm 80 của thế kỷ trước, thư ký phiên tòa còn là người đọc bản cáo trạng, ghi biên bản phiên tòa và thực hiện một số việc theo yêu cầu của chủ tọa phiên tòa. Việc chủ tọa cho thư ký phiên tòa công bố lời khai từ trước đến nay xảy ra ở nhiều phiên tòa cũng là thói quen cho rằng thư ký phiên tòa là người giúp việc HĐXX.

Nếu lấy lý do vì chủ tọa đã công bố liên tục lời khai của bị cáo nên thấm mệt mà phải nhờ thư ký công bố là không thỏa đáng. Tại sao chủ tọa không nhờ hội thẩm nhân dân công bố vì hội thẩm là thành viên của HĐXX, có quyền và nghĩa vụ ngang với thẩm phán chủ tọa?

HĐXX, kiểm sát viên và luật sư mới có quyền

Về lý luận, việc công bố lời khai tại phiên tòa phải coi là hoạt động chứng minh (có thể chứng minh bị cáo phạm tội hoặc không phạm tội). Do đó, tại phiên tòa chỉ có những người như kiểm sát viên (KSV), các thành viên HĐXX và luật sư (những người có quyền đọc hồ sơ vụ án) mới có quyền công bố lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác có trong hồ sơ vụ án.

Do pháp luật tố tụng của nước ta theo mô hình thẩm vấn nên BLTTHS mới có quy định việc công bố lời khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, chỉ công bố lời khai trong trường hợp tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng không khai hoặc khai mâu thuẫn với lời khai trước đó được lưu trong hồ sơ vụ án. Theo quy định của BLTTHS và nội quy phiên tòa thì thư ký phiên tòa chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, điểm danh và báo cáo cho HĐXX biết những người được triệu tập đến phiên tòa ai có mặt, vắng mặt và lý do của việc vắng mặt; ghi biên bản phiên tòa.

Hồ sơ vụ án phải do HĐXX quản lý (giữ) trong suốt quá trình xét xử. Việc KSV, luật sư có công bố lời khai của người tham gia tố tụng có trong hồ sơ vụ án là những lời khai đã được sao chép lại. Việc công bố lời khai là để bảo vệ quan điểm buộc tội hay gỡ tội cho bị cáo. Nếu việc công bố đó lại không đúng với lời khai hoặc tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì chủ tọa phiên tòa phải có ý kiến ngay sau khi KSV hoặc luật sư công bố.

Với tinh thần tranh tụng hiện nay thì việc công bố lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng trước đó có trong hồ sơ vụ án nên để cho KSV và luật sư thực hiện, còn HĐXX cố gắng hạn chế việc công bố lời khai tại phiên tòa.

Vì nghĩa vụ chứng minh của HĐXX được thể hiện trong bản án chứ không phải trong giai đoạn xét hỏi hoặc tranh tụng. Một phiên tòa mà từ đầu đến cuối chỉ thấy chủ tọa phiên tòa “đấu tranh” với bị cáo thì phiên tòa đó chưa phải là phiên tòa thể hiện tranh tụng. Chủ tọa phiên tòa chỉ nên chú ý lắng nghe và điều khiển việc tranh tụng.

Có một nguyên tắc có tính hiến định là “cơ quan tiến hành tố tụng chỉ làm những gì pháp luật cho phép chứ không được làm những gì pháp luật không cấm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm