Ai thao túng mọi việc ở Sở GD&ĐT Hà Giang?

Ngày 16-10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh này. Tòa tập trung xét hỏi làm rõ mâu thuẫn giữa lời khai của hai bị cáo Triệu Thị Chính, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT và Nguyễn Thanh Hoài, cựu trưởng Phòng khảo thí sở này.

Sự thật và “448 ngày không nghe tiếng chim hót”

Tại tòa, Triệu Thị Chính khai bà lập danh sách 13 thí sinh nhờ cựu trưởng Phòng khảo thí Nguyễn Thanh Hoài xem điểm môn ngữ văn. Trong khi bị cáo Hoài khẳng định bà Chính “nhờ nâng điểm”.“Bà Chính đưa danh sách khi ở phòng chỉ có hai người và nói đây là con em lãnh đạo nhờ nâng điểm môn ngữ văn. Chị Chính đọc điểm các em thứ tự 1-5, trường hợp thứ sáu thì nói học giỏi chỉ cần xem điểm” - ông Hoài khai.

Tham gia xét hỏi, luật sư của bà Chính hỏi ông Hoài: “Bị cáo nói với Lương (bị cáo Vũ Trọng Lương - PV) câu “phải lôi bà Chính vào cuộc” là có hàm gì ý?”.

Thừa nhận mình có nói câu này, ông Hoài giải thích: “Về bản chất, chị Chính đưa danh sách nhờ tôi nâng điểm môn ngữ văn cũng không khác gì tôi đưa danh sách cho anh Lương nâng điểm môn thi trắc nghiệm. Theo quy chế thi, trong thời gian xử lý bài thi trắc nghiệm, trưởng ban chấm thi phải giám sát toàn bộ quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm. Như vậy, chị Chính cũng phải có một phần trách nhiệm khi chúng tôi làm sai, nâng điểm cho các thí sinh. Ngoài ra tôi không có hàm ý nào khác”.

“Bà Chính là trưởng ban chấm thi, phó chủ tịch hội đồng. Bà Chính có trách nhiệm giám sát hoạt động chấm thi của các ông không?” - luật sư hỏi tiếp. “Chị Chính chịu toàn bộ trách nhiệm về hoạt động của ban chấm thi” - ông Hoài đáp.

“Giám đốc Sở là ông Sử (Vũ Văn Sử), Phó Chủ tịch UBND Trần Đức Quý phụ trách về y tế, giáo dục, cao hơn là ông Triệu Tài Vinh là bí thư Tỉnh ủy. Tại sao ông không đổ (trách nhiệm) cho những người đó, trong khi trách nhiệm của họ còn cao hơn trách nhiệm thân chủ của tôi?” - luật sư vặn.

“Chị Chính là trưởng ban chấm thi, trực tiếp chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình chấm thi, cả chấm thi ngữ văn hay trắc nghiệm. Hành vi vi phạm pháp luật của chúng tôi là hành vi nâng điểm của các bài thi trắc nghiệm thì chị Chính phải có trách nhiệm một phần”- ông Hoài đáp.

Kế đó ông Hoài tiếp tục khẳng định tất cả lời khai của ông với CQĐT, VKS hay lời khai trước tòa đều là sự thật. “Nếu tôi không tôn trọng sự thật, tôi đã có thể có những phương án trả lời khác. Ví dụ, tôi có thể đổ lỗi cho chị Chính là chỉ đạo tôi nâng điểm cho Triệu Ngọc Mai (con cựu bí thư Triệu Tài Vinh - PV), cho Phạm Tuấn Minh (con cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Khuông, bị cáo trong vụ án)… Nếu tôi không tôn trọng sự thật thì chắc chắn chị Chính cũng sẽ giống như tôi 448 ngày không nghe tiếng chim hót” - ông Hoài nói.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, trưởng Phòng khảo thí - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: ĐỨC MINH

Tìm cách tiếp cận dữ liệu để sửa điểm thi

Hồ sơ vụ án thể hiện ông Nguyễn Thanh Hoài từng nhắn tin cho ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, với nội dung: “Em báo cáo anh hai việc ạ. Thứ nhất, em vừa đối sánh dữ liệu thi xong. Kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý thi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử (giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Văn Sử) giữ. Thứ hai, việc Lương (Vũ Trọng Lương - phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về Sở là theo Điều 26 của Quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ là phó chủ tịch hội đồng và trưởng ban thư ký. Song thầy Bình, thầy Sử (Vũ Văn Sử), cô Chính (Triệu Thị Chính) đang nâng cao quan điểm quá, có gì anh giúp em”.

Một luật sư khác của bà Chính chất vấn ông Hoài: “Bị cáo dưới quyền chỉ đạo của giám đốc và các phó giám đốc sở, vậy tại sao mọi việc xảy ra bị cáo không báo cáo lên cấp trên trực tiếp trước mà lại nhắn tin báo cáo vượt cấp lên ông Trần Đức Quý? Quy định nào được báo cáo vượt cấp như vậy?”.

Đáp lại, ông Hoài cho hay sáng 7-7-2018, ông đồng ý cho Lương vận chuyển bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm cùng toàn bộ thiết bị xử lý bài thi trắc nghiệm về sở (để sửa bài thi). Sáng hôm sau, một cuộc họp được tổ chức với sự tham dự của giám đốc sở, các phó giám đốc, trưởng đoàn thanh tra sở… “Nội dung cuộc họp đó liên quan đến sai phạm của anh Lương và tôi. Tôi cho rằng theo quy chế, chúng tôi (ban thư ký) được quyền vận chuyển bài thi nhưng mọi người không đồng ý. Đến ngày mùng 10 tôi mới nhắn tin báo cáo với anh Quý, trưởng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh” - ông Hoài cho hay.

“Chúng tôi có quyền vận chuyển bài thi và chúng tôi đã lợi dụng việc này để sửa điểm thi” - ông Hoài nói.

“Lãnh đạo sở nhờ thì mọi người phải giúp”

Theo cáo buộc của VKS, bà Triệu Thị Chính là trưởng ban chấm thi, đã đưa danh sách 13 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh, xem điểm cho một em. Tuy nhiên, ông Hoài chưa giúp được bà Chính.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khẳng định nếu hành vi vận chuyển bài thi môn trắc nghiệm về để sửa điểm của Vũ Trọng Lương không bị phát hiện, bị cáo này có khả năng nâng điểm môn ngữ văn cho các thí sinh trong danh sách bà Chính đưa.

“Căn cứ vào đâu bị cáo khẳng định sẽ nhờ được giáo viên nâng điểm?” - luật sư của bà Chính hỏi. “Tôi căn cứ vào uy tín của tôi, quá trình công tác của tôi với giáo viên các trường và với trưởng môn…” - ông Hoài trả lời, sau đó khẳng định lý do nâng điểm là: “Lãnh đạo sở nhờ thì mọi người phải giúp”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...