Bàn tiếp về điều kiện tuyển thư ký tòa án

Số trước, Pháp Luật TP.HCM phản ánh việc TAND Tối cao tuyển dụng thư ký tòa với một trong những điều kiện liên quan đến nghiệp vụ mà chỉ sinh viên (SV) ở Học viện Tòa án (HVTA) thuộc TAND Tối cao mới được đào tạo.

Sinh viên luật trong một giờ học trên giảng đường tại Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Đó là tiêu chuẩn “đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án hoặc nghiệp vụ tòa án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử”.

Điều này đồng nghĩa với việc cử nhân luật từ các cơ sở đào tạo khác bị bít đường vào ngành tòa án.

Trong số này, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các cơ sở đào tạo luật cũng như các SV luật.

Viện sĩ, PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hoa Sen:

Đào tạo, tuyển dụng theo quy trình khép kín

Thực ra thì ngành tòa án cũng đặc thù. Ở các nước, việc tuyển thư ký, thẩm phán cũng đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng, chuyên môn phù hợp để ngay khi tuyển dụng và vào làm có thể thích nghi với công việc.

Tuy nhiên, mô hình đào tạo cán bộ ngành tòa án cũng như nghề luật khác như kiểm sát, công chứng, luật sư… là mô hình nghề dạy nghề. Các trường luật chỉ đào tạo kiến thức nền, cơ bản về luật. Còn muốn dấn thân vào nghề thẩm phán, nghề luật sư… thì người tốt nghiệp cử nhân luật phải học thêm chuyên môn tại các tổ chức quản lý nghề nghiệp trước khi ứng tuyển.

Điều kiện mà TAND Tối cao đưa ra ở một khía cạnh nào đó vẫn có lý. Vấn đề là HVTA phải mở cửa để các SV tốt nghiệp các trường luật khác tại Việt Nam có thể vào đây học nghề.

Ở đây, HVTA lại đào tạo cả trình độ đại học trong khi học viện này mang tính chất nghề nghiệp là không nên. Theo tôi, HVTA chỉ nên đào tạo nghề liên quan đến các công việc của ngành tòa án.

Việc đào tạo, tuyển dụng theo một quy trình khép kín như cách mà TAND Tối cao đã làm sẽ tạo ra một “thiết chế đào tạo độc quyền”. Điều này là không thân thiện với môi trường đào tạo về nghề luật của nước ta và cũng không phù hợp với xu thế chung của các nước.

Theo tôi, TAND Tối cao cần loại bỏ quy định “ngăn sông cấm chợ” như việc tuyển dụng thư ký tòa năm 2020.

TS DƯƠNG KIM THẾ NGUYÊN, Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Thiệt thòi cho các sinh viên trường luật khác

Đầu tiên cần xác định chứng chỉ nghiệp vụ thư ký tòa án, nghiệp vụ tòa án là gì? Ai có quyền và điều kiện như thế nào mới được đào tạo cái này? TAND Tối cao liệu có công nhận việc các cơ sở đào tạo luật dạy các chứng chỉ đã nêu hay không?

Nếu TAND Tối cao cho phép, tôi cho rằng các trường luật hiện nay hoàn toàn đủ khả năng để dạy môn học này. Trường hợp TAND Tối cao có yêu cầu về môn học này và các trường đáp ứng thì nên công nhận.

Ngoài ra, TAND Tối cao đưa ra các yêu cầu về hồ sơ để thi tuyển thư ký như Thông báo số 607/TB-TANDTC ngày 18-9-2020 của TAND Tối cao (về việc tuyển dụng công chức vào ngành tòa án năm 2020) không phải là không đúng luật. Tuy nhiên, việc thông báo chung chung (không báo trước) và các trường chưa hiểu rõ chứng chỉ nghiệp vụ đã nêu là thiệt thòi cho các SV trường luật khác HVTA.

PGS-TS DƯƠNG ANH SƠN,
Trưởng Khoa luật kinh tế Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM
:

Cần sự công bằng

Về nguyên tắc, HVTA của TAND Tối cao nên là nơi đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ tòa án (như dạy nghề). Vấn đề đặt ra là có cần thiết để dạy những môn nghiệp vụ tòa án trong khung chương trình đào tạo cử nhân luật của các trường hay không. Trong khi đó, việc đào tạo cử nhân luật chỉ nên hướng tới các kiến thức, kỹ năng cơ bản. SV tốt nghiệp loại giỏi rồi thi đậu vào ngành thì TAND Tối cao cho đi học những nghiệp vụ đó.

Mặt khác, có hai vấn đề mà TAND Tối cao cần trả lời thỏa đáng cho dư luận và các giảng viên, SV luật. Đó là:

Thứ nhất: Cử nhân luật tốt nghiệp ở HVTA có đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ tòa án có xuất sắc hơn các bạn SV ở hơn 90 cơ sở đào tạo luật khác, trong đó có những trường như ĐH Luật TP.HCM, ĐH Luật Hà Nội không?

Thứ hai: Việc tuyển dụng thư ký tòa với các yêu cầu như năm 2020 của TAND Tối cao có được cơ quan này thông báo rộng rãi cho các trường luật để họ kịp “trở tay”, qua đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của SV không?

ThS VÕ VĂN TÀI, Phó Trưởng Khoa kiểm sát hình sự Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM: 

Nên bỏ điều kiện này

Việc tuyển dụng của TAND Tối cao không phải là không có lý. Tuy nhiên, theo tôi, TAND Tối cao có thể quy định theo hướng muốn đủ điều kiện thi vào ngành thì SV cần tốt nghiệp đại học loại giỏi. Sau khi thi vào ngành rồi, người được tuyển dụng sẽ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tòa án. TAND Tối cao cũng cần có quy định rõ về chuẩn kiến thức, kỹ năng, thời gian học… để đi làm trong ngành.

Việc TAND Tối cao đề ra yêu cầu tuyển dụng như vừa qua, tôi e rằng sẽ loại bỏ các ứng viên giỏi, tài năng thực sự muốn phụng sự cho ngành tòa án, song song đó chất lượng đầu vào của ngành cũng sẽ giảm.

Theo tôi, cách để tìm những người tài, đức vẹn toàn để cầm cân nảy mực là TAND Tối cao nên bỏ quy định tuyển dụng như đã làm.

 

Tôi thấy bất ngờ

Điều kiện tuyển dụng của TAND Tối cao khiến phần lớn các bạn mới ra trường và những người có mong muốn được làm việc trong ngành tòa án như tôi thấy bất ngờ.

Chúng tôi cũng đã học bốn năm với đầy đủ chuẩn kiến thức, kỹ năng của nghề luật. Tôi thấy rằng quy định như vậy là thiếu công bằng cho những ai học luật ở trường khác khi ứng tuyển làm thư ký tòa.

ĐẶNG THỊ THU LÀI, SV khóa 42, Khoa luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Chúng tôi thấy bị làm khó

Điều kiện tuyển dụng thư ký tòa án của TAND Tối cao gây khó cho SV luật các trường khác. Bởi lẽ để đạt được tiêu chí này, một cử nhân luật sau khi ra trường phải đăng ký khóa học nghiệp vụ tòa án và học trong 18 tháng tại Học viện Tư pháp hoặc HVTA để có chứng chỉ đã nêu. Tuy nhiên, cử nhân HVTA thì lại có thể ứng tuyển ngay khi có thông báo tuyển dụng của TAND Tối cao vì các bạn đã được học các chứng chỉ này khi còn là SV.

NGUYỄN MAI PHƯƠNG, SV khóa 44, Khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

 (NGÂN NGUYỄN ghi)

Cần tạo sự cạnh tranh công bằng
Điều 92 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định thư ký tòa án là người có trình độ cử nhân Luật trở lên được tòa án tuyển dụng, được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án và bổ nhiệm vào ngạch thư ký tòa án. Tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch thư ký tòa án do Chánh án TAND Tối cao quy định. Như vậy, chỉ tiêu tuyển dụng, tiêu chuẩn và điều kiện thư ký do Chánh án TAND Tối cao.
Hiện nay, chỉ Học viện Tòa án (HVTA) được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án. Điều này gây khó khăn cho các bạn sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo luật khác có mong muốn làm việc trong ngành toà án. Điều kiện tuyển dụng này này làm hạn chế về cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên ở các cơ sở đào tạo luật khác, tạo ra “ưu ái” cho HVTA.
Học ở HVTA hay học ở các cơ sở đào tạo luật khác mục đích chính vẫn là truyền tải cho các bạn sinh viên kiến thức nền tảng về pháp luật. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể hoạt động, làm việc chuyên về ngành luật là phải có bằng cử nhân Luật. Sau đó, tùy vào mục đích nghề nghiệp mà các bạn sẽ phải học thêm một khóa đào tạo chuyên sâu. Ví dụ như thư ký tòa án thì học nghiệp vụ thư ký tòa án, công chứng thì học nghiệp vụ đào tạo công chứng, luật sư thì học nghiệp vụ đào tạo luật sư… Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một cơ sở đào tạo duy nhất đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án, trong khi đó việc đã được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án là điều kiện bắt buộc để được tuyển dụng vào ngành thư ký tòa án, tạo ra sự “độc quyền về đào tạo”.
Để mở rộng hơn, TAND Tối cao cần phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, triển khai chương trình đào tạo nghiệp vụ thư ký toà án, hoặc nghiệp vụ toà án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử. Các cơ sở đào tạo luật khác như các trường đại học chuyên ngành luật, Học viện Tư pháp… nếu đáp ứng đủ điều kiện thì cấp phép cho các cơ sở này được phép đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án để tạo sự thuận tiện về mặt học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên đang theo học ngành luật trên cả nước. Toà án phải công nhận, không phân biệt chứng chỉ đào tạo của các cơ sở đào tạo luật khác.
Còn nếu không đủ điều kiện để mở rộng đào tạo thì cần bỏ điều kiện tuyển dụng trên. Hãy để cho toà án sau khi đã lựa chọn các vị trí cần tuyển dụng thì sẽ tiếp tục đào tạo nghiệp vụ thư ký toà án, hoặc nghiệp vụ toà án, chuyên ngành xét xử hoặc nghiệp vụ xét xử. Điều này tạo sự cạnh tranh công bằng cho các cử nhân luật, qua đó tìm kiếm, thu hút được nhiều tài năng cho ngành toà án, để từ thư ký toà phấn đấu lên thẩm phán.
Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
(YẾN CHÂU ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm