Cẩn ngôn khi lên mạng xã hội để tránh tù tội

Đã có nhiều trường hợp vì lên mạng xã hội (MXH) nói sai, chửi bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm quyền và lợi ích của người khác… mà bị xử tội tù. Ấy thế nhưng thời gian gần đây, vẫn có nhiều người chưa sợ, vẫn lên mạng livestream nói bậy, nói xàm, xúc phạm người này, đả kích giới kia…

Việc tiếp cận, chia sẻ, kết nối thông tin qua MXH giờ đây đã thành phổ biến với người dùng Internet. Trên MXH, người ta có thể tạo kênh phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo dựng hình ảnh cá nhân, xây dựng - phát triển cộng đồng có chung mối quan tâm và nhận thức về vấn đề xã hội nào đó. Có thể nói, MXH là phương tiện kết nối, học hỏi từ xung quanh mà không bị giới hạn không gian.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, MXH cũng có thể là nơi mà người ta phát tán những thông tin vi phạm bí mật đời tư cá nhân, thông tin bảo mật của doanh nghiệp hay nặng nề hơn là xúc phạm, lăng mạ người khác.

Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra về mặt tích cực lẫn tiêu cực từ MXH. Điều quan trọng là chúng ta cần lựa chọn cách thức hành xử phù hợp khi tham gia vào “xã hội trên mạng” này.

Bản thân tôi cũng là một “cư dân mạng”. Ở đó, tôi xây dựng hình ảnh cá nhân, phát triển thương hiệu công ty và tìm những kênh phù hợp để học hỏi, chia sẻ. Có lúc, tôi cũng bức xúc, bực dọc khách hàng, giận dỗi đồng nghiệp, trách hờn bạn bè. Thậm chí, đôi khi tôi “trách” cả một chính sách không phù hợp thực tiễn nữa. Nhưng tôi gần như không chọn cách “đá thúng đụng nia trên mạng”, vì ở đó tôi vẫn phải chịu trách nhiệm cho những hành xử của mình. Đương nhiên, khi đã vi phạm pháp luật thì điều đó còn “lớn chuyện” hơn.

Không ít người nghĩ đơn giản trên MXH ta có thể nói, có thể đăng, có thể xóa bất cứ thông tin gì. Kỳ thực, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Việc thu thập, lưu giữ chứng cứ hoặc xác minh làm rõ hành vi vi phạm trên MXH không còn là một việc quá phức tạp.

Một khi bạn thực hiện việc đăng, chia sẻ thông tin, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà chưa có sự đồng ý của người đó là đã vi phạm Điều 21 Hiến pháp 2013 cũng như Điều 38 BLDS 2015. Khi đó, người bị vi phạm có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, tùy mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm, nếu công khai các thông tin cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông thì có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015.

Cạnh đó, nếu một người sử dụng MXH để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là vi phạm Điều 34 BLDS, vì “danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Trường hợp này, người vi phạm sẽ bị xem xét xử lý hành chính và buộc phải bồi thường thiệt hại khi có yêu cầu. Trong một số trường hợp, hành vi này còn có dấu hiệu cấu thành tội hình sự theo Điều 155 BLHS về tội làm nhục người khác.

Nêu những quy định pháp luật nêu trên để thấy mỗi chúng ta cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức pháp luật cần thiết để tham gia MXH an toàn. Bởi dù MXH là ảo nhưng luật chơi của nó vẫn bị chi phối bởi quy định pháp luật “rất thật” và nếu vi phạm, chúng ta vẫn bị chế tài.

Cho nên dù là ngoài đời hay trên MXH, chúng ta cần phải cẩn ngôn, không chỉ bởi sợ “nghiệp quật” mà còn phải nghĩ đến khả năng bị phạt hành chính hay bị tội tù.

Đề nghị xử nghiêm vi phạm trên mạng xã hội

Bộ TT&TT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh, thành về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên MXH.

Theo đó, bộ nhận thấy thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của MXH như phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chung)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật. Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ TT&TT đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo Sở TT&TT, công an tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao. Theo đó, các cơ quan cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là MXH; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm