Ngày 7-4, ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1958, cựu quân nhân, đã có bản kiến nghị gửi VKSND tỉnh Tây Ninh về việc tổ chức công khai buổi xin lỗi vì làm oan đối với ông.
Theo bản kiến nghị, ông đề nghị VKS tỉnh tổ chức buổi xin lỗi oan đối với ông tại Sư đoàn 317 nơi ông từng công tác. Ông Dũng cho rằng việc xin lỗi tại đơn vị sẽ là cơ sở để nơi đây có trách nhiệm giải quyết chế độ thương binh và khen thưởng trong thời gian chiến đấu cho ông.
Ông Dũng là người đầu tiên nhận được quyết định đình chỉ vụ án oan xảy ra từ 40 năm trước ở Tây Ninh mà ông và 7 người khác đã được đình chỉ từ năm 1983. Trên cơ sở quyết định đình chỉ này, ông đã yêu cầu và TAND tỉnh Tây Ninh đã buộc VKSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường oan cho ông 615 triệu đồng, đồng thời phải thực hiện việc xin lỗi công khai đối với ông...
Ông Nguyễn Văn Dũng (mặc áo thu đứng phía sau) cùng những người bị oan khác trong vụ án oan xảy ra 40 năm trước trong ngày nhận quyết định đình chỉ 4-4-2019.
Theo hồ sơ khoảng 11 giờ đêm 26-7-1979, một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt ngay một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt bốn người đàn ông nữa bị bắt rồi bị đưa về công an huyện điều tra.
Cán bộ điều tra đã dùng nhục hình khiến những người đàn ông này phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con cất giấu. Ba người phụ nữ bị bắt tiếp theo sau đó cũng bị dùng nhục hình nên buộc phải nhận đã cất giấu tài sản cướp được.
Tám cuộc đời đang bình yên bỗng nhiên dậy sóng vì những cáo buộc vu vơ và những tháng ngày oan khiên tù tội. Cả một đại gia đình tan tác. Nhiều lần công an dẫn đi lấy tang vật nhưng không có mà chỉ có năm chỉ vàng. Công an buộc người nhà họ đem nộp để bảo lãnh người thân về.
Năm 1983, VKSND tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra đối với 8 bị can trong vụ án. Quyết định ghi: Xét đủ bằng chứng chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân. Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này...
Tại thời điểm vụ án xảy ra và sau đó ông Dũng vướng vào vòng lao lý oan trái, ông Dũng đang là bộ đội đóng quân tại chiến trường Campuchia. Ngày 25-7-1979, ông Dũng được đơn vị cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và nhân dịp về thăm gia đình.
Đêm 26-7-1979, bỗng nhiên ông Dũng bị công an xã bắt giải lên Công an huyện Trảng Bàng với lý do cướp tài sản riêng của công dân rồi bị tạm giam luôn. Trong suốt thời gian bị giam, ông Dũng một mực kêu oan. Sau hơn 45 tháng bị tạm giam, ông Dũng được thả nhưng những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho ông.
Sau đó ông Dũng quay lại Campuchia xin được tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng ông bị từ chối tiếp nhận vì lý do chưa có quyết định nào minh định ông không phạm tội. Đến năm 2000, ông Dũng mới được giải quyết thủ tục xuất ngũ. Từ đây, ông Dũng tiếp tục cuộc hành trình khiếu nại, kêu oan.