Giải đáp các thắc mắc vụ 17 con hổ ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vì sao khó tìm cơ sở nhận nuôi hổ trong khi có nhiều cơ sở bảo tồn động vật hoang dã; giải cứu hổ là để 17 cá thể này được nuôi dưỡng tốt hơn nhưng lại khiến tám con chết; phải chăng quy trình giải cứu, quản lý động vật hoang dã có bất cập, cần điều chỉnh... Đây là những quan tâm của bạn đọc trong vụ việc giải cứu 17 con hổ ở Nghệ An ngày 4-8.

PV Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, để trả lời những thắc mắc này.

Cơ sở nuôi dưỡng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn

. Phóng viên: Thưa ông, đến nay hướng xử lý chín cá thể hổ trong vụ giải cứu 17 cá thể hổ ở Nghệ An được thực hiện như thế nào?

+ Ông Nguyễn Văn Tiến: Cục Kiểm lâm rất hoan nghênh sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Hiện nay, các cá thể hổ là tang vật vụ án đang được tạm giữ tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn và Khu sinh thái Mường Thanh thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Những con hổ được giải cứu ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An
ngày 4-8. Ảnh: CA

Về hướng xử lý, đối với các cá thể hổ còn sống thì giao cho trung tâm cứu hộ có đủ điều kiện nuôi dưỡng để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý vật chứng (loài hổ) được thực hiện theo quy định tại Điều 106 BLTTHS; Điều 7 Nghị quyết 05/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 BLHS về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Điều 244 BLHS về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Điều 10 và khoản 3 Điều 40 Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

. Công an tỉnh Nghệ An cho biết hiện vẫn chưa có cơ sở nào nhận nuôi chín cá thể hổ còn lại, chi phí nuôi hổ mỗi ngày là 20 triệu đồng. Vì sao lại khó tìm cơ sở nhận nuôi trong khi chúng ta có nhiều cơ sở bảo tồn động vật hoang dã?

+ Vụ việc tại Nghệ An có số lượng hổ nhiều, là loài thú dữ nên việc lựa chọn cơ sở tiếp nhận, chăm sóc phải đảm bảo các điều kiện như phù hợp đặc tính sinh trưởng của hổ; đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 06/2019, đồng thời thuận lợi cho việc điều tra, xử lý vi phạm.

Do đó, việc lựa chọn cơ sở tiếp nhận, chăm sóc phải cân nhắc cụ thể; đảm bảo điều kiện tốt nhất để nuôi dưỡng hổ và thuận lợi cho việc điều tra, xử lý vi phạm.

Thả hổ về rừng được không?

. Có thể thả hổ vào tự nhiên không, thưa ông?

+ Nếu thả hổ về môi trường tự nhiên thì phải tuân thủ các quy định tại Điều 10, khoản 3 Điều 40 Nghị định 06/2019 và Điều 11 Thông tư 29/2019 của Bộ NN&PTNT quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp.

Cụ thể: Phải đảm bảo cá thể hổ khỏe mạnh, phải xác định được nơi cư trú tự nhiên của hổ, đảm bảo an toàn cho người và cho hổ sau khi thả.

Trong khi đó, những cá thể hổ tại Nghệ An được nuôi nhốt quá lâu, mất tập tính săn mồi, do đó cần đưa vào trung tâm cứu hộ đủ điều kiện nuôi nhốt theo quy định của pháp luật để chăm sóc, phục hồi, sau đó đánh giá khả năng có thể tái thả về tự nhiên khi điều kiện cho phép.

. Tám cá thể hổ đã chết sẽ được xử lý các bước tiếp theo như thế nào, thưa ông?

+ Đối với các cá thể hổ đã chết, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục bảo quản để phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm. Sau khi kết thúc vụ án, vật chứng có thể được tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý hoặc các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.

. Giải cứu hổ là để các cá thể này được nuôi dưỡng tốt hơn nhưng lại khiến chúng chết. Phải chăng quy trình giải cứu, quản lý động vật hoang dã có bất cập, cần điều chỉnh, thưa ông?

+ Việc có 8/17 cá thể hổ chết là nằm ngoài ý muốn của lực lượng chức năng. Vụ án đang được điều tra nên việc xác định chính xác nguyên nhân chết và việc đánh giá quy trình giải cứu phải căn cứ vào kết quả điều tra.

. 17 cá thể hổ này thuộc giống loài, chủng loại nào; mức độ nguy cấp cần phải bảo tồn cũng như giá trị về mặt đa dạng sinh học, nguồn gen như thế nào, thưa ông?

+ Hổ thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ được quy định tại Nghị định 160/2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 64/2019); danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB tại Nghị định 06/2019 và thuộc Phụ lục I Công ước CITES.

Đối với vụ việc tại Nghệ An thì việc xác định về loài, mức độ nguy cấp cần bảo vệ, giá trị sinh học, nguồn gen phải căn cứ vào kết quả điều tra và kết luận giám định.

. Xin cám ơn ông.

Chờ hướng dẫn chuyển giao chín con hổ

Chiều 1-9, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: “Về chín con hổ còn sống, cơ quan công an đang quản lý, chưa bàn giao cho đơn vị nào. Về hướng xử lý, chúng tôi đã có văn bản gửi Cục Kiểm lâm, hiện chờ họ trả lời”.

Ông Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, nơi đang được gửi chăm sóc chín con hổ, thông tin: “Chúng đang phát triển tốt, dần thích nghi với môi trường mới. Trong thời gian tới, nếu tỉnh bàn giao thì chúng tôi sẵn sàng nhận”.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát (huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An), cho biết: “Chúng tôi không đủ cơ sở vật chất, không có chuồng to, chỉ có chuồng cứu hộ tạm thời. Nếu phải cứu hộ lâu dài với số lượng hổ nhiều như vậy thì không thể nuôi được. Hổ nhỏ chúng tôi có thể chăm sóc, nuôi dưỡng chứ hổ lớn thì không đủ kinh phí nuôi”. 

ĐẮC LAM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm