Chiều 19-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay lần sửa đổi, bổ sung này chỉ tập trung vào những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Bổ sung thời hạn giám định
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, hiện nay pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là chưa có quy định về thời hạn giám định nên việc giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài. Khắc phục việc này, dự thảo bổ sung quy định về thời hạn giám định đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Thời hạn giám định đối với các trường hợp cần thiết khác tối đa là ba tháng. Nếu việc giám định phức tạp, hoặc khối lượng công việc lớn, hoặc điều kiện thực hiện giám định khó khăn thì thời hạn giám định tối đa là bốn tháng. Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo cơ quan trưng cầu nhưng phải bảo đảm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Đồng tình với đề xuất bổ sung thời hạn giám định, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải cho hay hiện cơ quan trưng cầu tự đưa ra thời hạn chứ chưa có ràng buộc trong luật. “Nhiều vụ án hết thời hạn điều tra rồi nhưng chưa có kết quả giám định nên phải tạm đình chỉ rồi để đó” - ông Hải nói.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Phan Thị Bình Thuận cũng nêu thực tế có những vụ việc phải chờ tới năm năm mới có kết luận giám định. Hoặc có những vụ án cần sớm có kết luận giám định, như những vụ án xâm hại tình dục, việc đưa ra kết luận giám định quá lâu thì không còn tác dụng nữa.
Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành dự thảo luật vì cho rằng quy định này sẽ giải quyết được vướng mắc trong giám định tư pháp theo vụ việc. Đồng thời việc giao các bộ, cơ quan ngang bộ quy định cụ thể thời hạn giám định từng loại việc sẽ bảo đảm tính khả thi và phù hợp với từng lĩnh vực giám định.
Vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cũng từng gặp khó trong giám định tư pháp. Ảnh: HOÀNG GIANG
VKSND Tối cao sẽ có phòng giám định?
Một nội dung đáng chú ý là dự thảo luật bổ sung quy định: Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.
Ông Lê Thành Long cho biết đây là đề nghị của VKSND Tối cao nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2020, các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc.
Bà Lê Thị Nga thông tin Ủy ban Tư pháp có hai loại ý kiến về vấn đề này. Ý kiến tán thành, bởi từ trước tới nay chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên dẫn đến quá tải. Nhưng có ý kiến cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi. Vì nó hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật, hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ. Cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công an, việc giám định loại việc nói trên của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an không có vướng mắc lớn.
Ông Dương Ngọc Hải cho rằng cần thiết thành lập thêm phòng giám định này vì hiện có ba hệ thống CQĐT của công an, quốc phòng và VKSND Tối cao. Nhưng riêng VKS không có tổ chức giám định, trong khi CQĐT VKSND Tối cao điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. “Lĩnh vực này rất cần giám định âm thanh, hình ảnh, vì vụ việc hối lộ, người tố cáo thường gửi kèm theo băng đĩa. Nhưng bây giờ muốn giám định, VKS phải trưng cầu Bộ Công an…” - ông Hải nói.
Hòa giải, đối thoại tại tòa giúp ngăn “chạy án” Cũng trong chiều qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay thời gian qua TAND Tối cao đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Theo đó, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt trên 78%. Theo chánh án, kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại. Phương thức này đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp là thời gian giải quyết nhanh, kín đáo và bảo mật thông tin (tiêu chí mà giải quyết bằng tố tụng tại tòa án không có được). Kết quả giải quyết có sự thỏa thuận, nhất trí của các bên nên khả thi, được các bên tôn trọng, tuân theo, đồng thời được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện… “Giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, đối thoại sẽ ngăn ngừa được những tiêu cực, tình trạng “chạy án” có thể phát sinh; góp phần xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm” - Chánh án Bình nói thêm. Ngoài ra, theo ông Bình, đây cũng là phương thức ít tốn kém vì chỉ chiếm 22% chi phí cho xét xử sơ thẩm (1,2 triệu đồng/5,5 triệu đồng). Đáng chú ý, trong tờ trình, TAND Tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải trong dự thảo luật. Thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án là phù hợp. |