Giám định tư pháp còn nhiều vướng mắc

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, chủ trì hội nghị với sự tham gia của các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng trên địa bàn TP như TAND, Công an, VKSND, UBND quận/huyện, các giám định viên…

Giám định tối đa bao lâu?

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM, báo cáo tình hình công tác giám định tư pháp trên địa bàn TP.HCM. Hiện nay TP có ba tổ chức giám định tư pháp gồm: Trung tâm Pháp y TP.HCM (thuộc Sở Y tế), Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an TP.HCM và Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực giám định về tài chính.

Bên cạnh đó, còn có các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gồm: 28 đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, một đơn vị chuyên môn giám định xe cơ giới, một đơn vị chuyên môn giám định lĩnh vực văn hóa và hai đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Nhìn chung, các giám định viên tư pháp đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong hoạt động giám định tư pháp, cơ bản đáp ứng yêu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn TP.HCM cũng như một số tỉnh lân cận. Mặc dù đã được UBND TP quan tâm nhưng hoạt động giám định tư pháp vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị, phương tiện chuyên môn hoặc có nhưng lạc hậu với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả giám định, thời gian có kết quả giám định.

Trong thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp đạt được những kết quả nhất định nhưng hiện còn có những khó khăn, tồn tại, chưa đáp ứng một cách hiệu quả các yêu cầu giám định.

Ông Tùng nêu: Pháp luật chưa quy định thời hạn tối đa để giám định dẫn đến nhiều vụ án thời gian giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án. Thực tế, trong các vụ án mà giá trị tài sản có ảnh hưởng đến khung hình phạt làm căn cứ xác định thời hạn điều tra, gia hạn điều tra, như buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm… việc định giá kéo dài dẫn đến phải gia hạn điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra vụ án, trường hợp vụ án đã khởi tố bị can, phải tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can, chờ kết luận định giá tài sản từ hội đồng định giá hay nhiều trường hợp tòa án đợi lâu không có kết luận của cơ quan giám định nên không có cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án và phải làm công văn nhắc kết quả nhiều lần.

Đại diện TAND TP.HCM phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: KIM PHỤNG 

Vị đại diện Công an TP.HCM chia sẻ thêm là thời gian tiến hành định giá ở Hội đồng Định giá tài sản cấp TP trong nhiều vụ án còn kéo dài (có những vụ trên hai năm), ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều tra. Tuy nhiên, đối với công tác này ở cấp quận, huyện, việc tiến hành định giá thường diễn ra rất nhanh.

Đại diện TAND TP.HCM cũng đồng tình việc này, vị này cũng cho rằng vì chưa quy định thời hạn tối đa để giám định dẫn đến nhiều vụ án thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án. Thực tiễn, hiện nay rất nhiều trường hợp tòa án đợi lâu không có kết luận của cơ quan giám định nên không có cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án và phải làm công văn nhắc kết quả nhiều lần.

Thiếu trang thiết bị giám định

Ông Tùng cũng nêu thực trạng là việc giám định trong một số trường hợp phải tiến hành ngay tại hiện trường, nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện đối tượng giám định. Tuy nhiên, các tổ chức giám định tư pháp chưa được trang bị xe chuyên dụng để vận chuyển trang thiết bị giám định cũng như phương tiện đi lại của các giám định viên tư pháp trong trường hợp xảy ra cùng lúc nhiều vụ việc, đa phần giám định viên phải đi lại bằng phương tiện cá nhân để thực hiện giám định. Những hoạt động giám định tư pháp chưa đáp ứng hoặc không có, liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, máy móc thiết bị (nguồn gốc, xuất xứ…), cổ vật, giám định âm thanh, giám định hình ảnh…

Ngay cả việc dự toán kinh phí giám định cũng gặp khó khăn. Hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự thường phát sinh nguồn kinh phí lớn (do phải chi trả để thuê đơn vị tư vấn) trong khi vụ việc, vụ án phát sinh trong một năm rất khó để dự đoán được bao nhiêu vụ xảy ra cần phải yêu cầu định giá.

Đại diện TAND TP.HCM bổ sung, cơ quan giám định chỉ gửi kết luận giám định cho cơ quan trưng cầu giám định, không gửi hồ sơ giám định liên quan do đó không thể phát hiện sai sót của cơ quan giám định (nếu có); nhiều nội dung kết luận giám định chung chung, từ ngữ chuyên ngành mà người không có chuyên môn không thể hiểu được, không xác định được lỗi, không viện dẫn văn bản, không căn cứ vào cơ sở pháp lý, dẫn đến kết luận không thuyết phục, đương sự không đồng ý với kết luận giám định và có quyền yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại; việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó; có trường hợp khi thực hiện giám định lại thì kết quả giám định sau khác với kết quả giám định lần đầu, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ, gây hoang mang cho đương sự trong vụ án...

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KIM PHỤNG

Kết luận cuộc họp, bà Phan Thị Bình Thuận cho rằng hoạt động giám định tư pháp trong thời gian qua đạt được kết quả nhất định giúp ích cho các cơ quan khác trong việc thực thi nhiệm vụ tố tụng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về hoạt đoạt động của hội đồng định giá, công tác điều tra, xét xử,… đề nghị các đơn vị quan tâm hơn nữa đến việc triển khai đề án của Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Về phía Sở Tài chính cần quan tâm phối hợp với các cơ quan khác hơn nữa và có hướng dẫn những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Sở. Bộ Tư pháp ghi nhận các ý kiến mà các đại biểu nêu để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh, sửa đổi Luật Giám định tư pháp, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giám định viên…


Giám định gần 20.000 vụ việc

Trong năm 2017, số lượng vụ việc giám định tư pháp tại TP.HCM là gần 20.000 vụ việc. Trong đó, phần lớn vụ việc phát sinh trong lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự; ngoài ra, có một số ít vụ việc phát sinh trong lĩnh vực văn hóa, tài chính, xây dựng và thông tin truyền thông.

(Trích báo cáo của Sở Tư pháp TP.HCM tại hội nghị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm