Kỷ luật y bác sĩ 'tự bỏ vị trí' cần được hiểu đúng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, hình ảnh lực lượng y tế trên tuyến đầu chống dịch nổi lên đầy nhân văn, tươi đẹp. Họ đã chiến đấu hết mình để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân trước móng vuốt tử thần. Mồ hôi, nước mắt, bệnh tật, thậm chí lằn ranh sinh tử ngày qua ngày đã bào mòn sức chịu đựng của họ.

Sau những nỗ lực chống dịch, sức người đã thấm mệt, họ cần thời gian phục hồi. Trong tương quan đó, vấn đề quan tâm đến chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi dành cho các y bác sĩ (BS) là điều rất quan trọng.

Nhân viên y tế khám sàng lọc cho người dân tiêm vaccine phòng COVID-19
tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Quyền nghỉ ngơi là thiết yếu

Quyền được nghỉ ngơi là một quyền hiến định của con người. Lực lượng y BS cho dù công tác trong cơ sở khám chữa bệnh công lập (viên chức) hay cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập (người lao động) cũng đều có quyền được nghỉ ngơi. Luật Viên chức và Bộ luật Lao động cũng quy định rõ ràng về điều kiện và thủ tục để thực hiện quyền này.

Như vậy, quyền được nghỉ ngơi khác hẳn với vấn đề tự ý bỏ việc. Về nguyên tắc, lực lượng y BS sẽ được nghỉ việc trong một khoảng thời gian nhất định khi có đơn đề nghị gửi đến người có thẩm quyền. Xét theo yêu cầu công tác thường nhật hay đột xuất mà người có thẩm quyền sẽ đồng ý hay không.

Trong khi đó, tự ý nghỉ việc lại là một hành vi trái pháp luật. Hậu quả là những y BS có hành vi trái pháp luật này phải gánh chịu chế tài pháp lý.

Trước nguy cơ thiếu hụt lực lượng y BS phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương, ngày 20-8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương ban hành Công văn 1940 có nội dung “không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức thuộc tất cả đơn vị trực thuộc; đồng thời nếu viên chức tự ý bỏ việc, Sở Y tế sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp”.

Rõ ràng nội dung cứng nhắc này đến từ sự chủ quan trong ý chí hơn là yêu cầu của thực tiễn phòng chống dịch. Lẽ ra Sở Y tế tỉnh Bình Dương nên phân biệt rõ trường hợp “xin nghỉ việc” với “tự ý nghỉ việc”.

Khi viên chức “tự ý nghỉ việc” thì Sở Y tế mới cần xem xét kỷ luật, thu hồi chứng chỉ hành nghề. Ngược lại, nếu viên chức y tế có đơn xin nghỉ việc và xét thấy vấn đề cho nghỉ là chính đáng thì nên xem xét giải quyết.

Quy định cứng nhắc không chấp nhận cho nghỉ việc trong bất kỳ trường hợp nào dù có lý do chính đáng chỉ dẫn đến sự bức xúc cũng như thái độ qua loa trong khi thực hiện công việc. Tất nhiên, đối với y BS thì lời thề Hippocrates là chân lý nhưng chân lý này vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý quá tải cùng sức chịu đựng đã đến ngưỡng giới hạn.

 

Lãnh đạo cần chia sẻ kịp thời để nhân viên an tâm

chống dịch

Giai đoạn đầu có những nhân viên lo sợ dịch bệnh nhưng sau khi được giải thích thì mọi người đã nhận thức rằng phòng chống dịch là nhiệm vụ cao cả. Anh em ở hậu phương hay tiền tuyến đều hiểu lao động ở đâu cũng vất vả như nhau, ai ở vị trí nào thì làm nhiệm vụ đó.

Một ít người do hoàn cảnh gia đình không thể lao vào tâm dịch nên chúng tôi phải động viên tinh thần để họ khắc phục hoàn cảnh. Ngoài ra, có thể có người không đủ điều kiện sẽ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác.

Lãnh đạo bệnh viện, khoa phòng, công đoàn tìm hiểu từng hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm, tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình nếu người thân không có người chăm sóc. Tôi tin nếu có sự chia sẻ tâm lý kịp thời thì y BS, nhân viên y tế sẽ an tâm, dốc sức cho công cuộc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.

PGS-TS LÊ ĐÌNH THANH, Giám đốc BV Thống Nhất

Xử lý vi phạm phải căn cứ theo luật

Đây là công văn nhằm động viên, khích lệ tinh thần các y BS đang ở tuyến đầu chống dịch. Thực tế hiện nay ở các tỉnh, thành phía Nam, số ít nhân viên y tế tự ý nghỉ việc không có lý do hoặc lý do thiếu thuyết phục. Các sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn đối với những trường hợp này.

Do đó, công văn bên cạnh nội dung đề nghị các sở Y tế tăng cường động viên, biểu dương nhân viên y tế đóng góp tích cực trong công tác phòng chống dịch cũng yêu cầu các sở Y tế điều chỉnh, quản lý nguồn nhân lực và xem xét, xử lý vi phạm hành chính hoặc vi phạm quy định của người hành nghề.

Việc xem xét hình thức xử lý nào do các sở Y tế căn cứ Luật Khám chữa bệnh quyết định. Bộ Y tế chỉ nêu ra để các cơ sở y tế chủ động quản lý nhân sự theo thẩm quyền.

Quan điểm của Bộ Y tế là trong bối cảnh dịch bệnh, “chống dịch như chống giặc”, cuộc chiến đang hồi cam go, tất cả đều phải đồng cam cộng khổ. Gần 20.000 nhân viên y tế đã dấn thân, tự nguyện vào chi viện cho miền Nam, hằng ngày căng mình chiến đấu chống dịch ở tuyến đầu. Sứ mệnh của người thầy thuốc là cứu người nên không thể thoái lui trong lúc này.

Liên quan đến các trường hợp vi phạm đạo đức hành nghề, trong tháng trước, Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đề nghị công an vào cuộc xử lý và rút giấy phép vụ “năm cơ sở y tế từ chối nhận bệnh khiến bệnh nhân tử vong”. Việc Sở Y tế tỉnh Bình Dương áp dụng biện pháp mạnh, rút giấy phép hoạt động của một cơ sở y tế, đã tạo hiệu ứng rất tốt, các đơn vị đã chấp hành nghiêm tổ chức cấp cứu người bệnh.

Một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế

HOÀNG LAN ghi

Chỉ kỷ luật khi “tự ý bỏ việc”

Khác với Công văn 1940 của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, Công văn 7330 ngày 4-9 của Bộ Y tế đã thấu tình đạt lý hơn. Cụ thể, Công văn 7330 có nội dung “yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh, tổng hợp những trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề, gửi Bộ Y tế để xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp vi phạm”.

Công văn 7330 chỉ quy định vấn đề xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính đối với “trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề” mà không cấm các y BS nghỉ việc. Tuy nhiên, nội dung công văn này cũng có điểm không chính xác, vẫn mang tính đe nẹt.

Cụ thể, “hình thức kỷ luật hành chính” chỉ được áp dụng khi y BS là viên chức có hành vi vi phạm trong Nghị định 112/2020. Tương tự, “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề” là một hình thức xử phạt bổ sung được quy định trong Nghị định 117/2020. Hình thức xử phạt này không thể được áp dụng trái với quy định trong Nghị định 117/2020.

Do đó, không phải bất kỳ y BS nào có hành vi vi phạm cũng có thể tùy tiện áp dụng hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề. Quy định trên không khéo sẽ trở thành sức ép quá lớn và làm tổn thương những người ở tuyến đầu chống dịch lúc này.

Ngoài ra, ngay cả khi có thể áp dụng “kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề” thì thẩm quyền xử lý cũng không đương nhiên thuộc về Bộ Y tế trong mọi trường hợp. Việc xử lý cũng phải tuân thủ nguyên tắc thẩm quyền quy định trong Nghị định 112/2020 và Nghị định 117/2020.

Đừng vắt kiệt sức lực y, bác sĩ!

Cuộc chiến với dịch bệnh còn kéo dài, thậm chí phải nghĩ đến chung sống với dịch. Một khi đã chung sống với dịch thì lực lượng y BS vẫn là thành trì vững chắc cho sự an toàn trong cuộc sống con người.

Do đó, việc ban hành và duy trì những công văn gây căng thẳng kiểu này là điều nên tránh. Sự thất vọng rồi gục ngã đôi khi không đến từ dịch bệnh quái ác mà đến từ những mệnh lệnh hành chính vô cảm.

Nếu xác định mỗi cơ sở khám chữa bệnh là một pháo đài và mỗi y BS là một chiến sĩ thì các cơ quan nhà nước cần phải khoan thư cũng như có chính sách động viên phù hợp.

Muốn có những quyết sách phù hợp, các cấp lãnh đạo hãy lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của lực lượng này. Đừng khai thác cùng kiệt sức lực kẻo xảy ra hệ quả đáng tiếc.

TS CAO VŨ MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm