Cưới nhau gần 30 năm, có 3 mặt con, giờ vợ chồng yêu cầu hủy kết hôn, vì sao?

(PLO)- Kết hôn gần 30 năm, có 3 con chung, nay vợ chồng đưa nhau ra tòa để hủy kết hôn trái pháp luật; tòa giải quyết sao trong trường hợp này?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức phiên họp giải quyết việc hủy kết hôn trái pháp luật của ông PVM (sinh năm 1977, tên nhân vật đã được thay đổi, ngụ địa phương này).

Hủy kết hôn vì đăng ký kết hôn khi mới 17 tuổi 11 tháng 3 ngày

Theo trình bày của ông M, tháng 1-1996, vợ chồng ông đăng ký kết hôn tại UBND xã Kiến Đức, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk (nay là UBND thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông); có 3 con chung.

hủy kết hôn.jpg
Ảnh minh họa

Thời điểm đăng ký kết hôn, ông M khai sinh năm 1975, khai tên là PVC. Năm 2012, ông đã được cải chính tên từ PVC thành PVM; cải chính năm sinh từ 1975 thành 1977.

Do ông M đăng ký kết hôn khi chưa đủ tuổi nên nay vợ chồng ông đề nghị tòa hủy kết hôn trái pháp luật. Về con chung và tài sản chung, vợ chồng ông M không yêu cầu giải quyết.

Tại phiên họp giải quyết, đại diện UBND thị trấn Kiến Đức trình bày ông M khai sai tuổi của mình để đủ tuổi đăng ký kết hôn nên thông tin cá nhân của ông M trong giấy chứng nhận kết hôn năm 1996 là sai; đề nghị tòa xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, TAND huyện Đắk R’lấp cho rằng đủ căn cứ xác định ông M sinh năm 1977. Thời điểm đăng ký kết hôn hồi tháng 1-1996, ông M mới 17 tuổi 11 tháng 13 ngày, chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật.

Do đó, TAND huyện Đắk R’lấp tuyên chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật của vợ chồng ông M.

Tòa cũng đề nghị UBND xã Kiến Đức, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk cũ (nay là UBND thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) rút kinh nghiệm trong việc chưa thu thập các tài liệu, chứng cứ, chứng minh về độ tuổi thực tế, giấy tờ xác định nhân thân của ông M; dẫn đến việc đăng ký kết hôn của ông là trái pháp luật.

Có thể đăng ký kết hôn lại, nếu... muốn

Bình luận về câu chuyện này, một thẩm phán tại TP.HCM chia sẻ rằng khi giải quyết yêu cầu này của đương sự, tòa sẽ xem xét các căn cứ chứng minh ông M khai sai tên tuổi, có cải chính hộ tịch (xác định ông M và ông C là một người), xác minh quan hệ vợ chồng thực tế tại địa phương...; để từ đó giải quyết chấp nhận đề nghị của họ.

Sau khi được tòa hủy kết hôn trái pháp luật, họ có thể đăng ký kết hôn lại; đồng thời đăng ký lại khai sinh cho con hoặc cải chính các giấy tờ khác của vợ chồng. Cũng cần nói thêm là UBND cũng có quyền kiến nghị hủy giấy đăng ký kết hôn nếu phát hiện vi phạm tại thời điểm ông M cải chính.

Tòa sẽ không tìm hiểu lý do ông M khai năm sinh và tuổi không đúng, mà tòa chỉ xem xét dựa trên quyết định cải chính của UBND (văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp). Và nguyên tắc là tòa chỉ xem xét khi đương sự có yêu cầu và chỉ xem xét trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Đăng ký kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm quy định của pháp luật nên tòa phải hủy giấy đăng ký kết hôn vì đây là quan hệ được xác lập trái luật.

Giả sử ông M cải chính tên và năm sinh xong, đem ra ủy ban đính chính giấy đăng ký kết hôn thì cũng không được; do đó bắt buộc phải hủy giấy đăng ký kết hôn để vợ chồng đăng ký kết hôn lại. Nếu không hủy thì sẽ vướng các thủ tục hành chính khác về sau.

Khai sai năm sinh khi kết hôn không phải chuyện hiếm

Theo khoản 7 Điều 28 BLTTDS, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật là một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Trường hợp tòa hủy kết hôn trái pháp luật theo yêu cầu của ông M, thì đối với vấn đề con chung và tài sản chung phải được giải quyết bằng một vụ kiện khác.

Căn cứ Điều 5 BLTTDS, tòa chỉ thụ lý giải quyết vụ/việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Khi ông M yêu cầu tòa hủy kết hôn trái pháp luật thì tòa chỉ xem xét, giải quyết các nội dung trong phạm vi yêu cầu này.

Việc ghi nhận ý kiến của vợ ông M chỉ nhằm làm rõ có tranh chấp xảy ra hay không để xác định là vụ hay việc dân sự; và điều này không nhằm để tìm hiểu chuyện cá nhân của đương sự.

Có thể vợ chồng ông M yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật để làm lại giấy tờ cho hợp pháp. Thời kỳ trước, nhiều người thường khai sai năm sinh, sau đó phải cải chính; hoặc mượn tên tuổi của anh/chị để đăng ký kết hôn vì biết tại thời điểm đăng ký kết hôn, mình chưa đủ tuổi.

(Một thẩm phán chuyên giải quyết án hôn nhân gia đình tại TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm