Như PLO.VN đã phản ánh UBND huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên cho biết Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng, ông Nhữ Mạnh Phong đã bị tạm đình chỉ lãnh đạo 15 ngày để tập trung xử lý sự việc nữ sinh bị lột quần áo, đánh hội đồng dã man phải nhập viện xảy ra tại trường này.
Theo đó, trên mạng xã hội lan truyền clip một nữ sinh lớp 9 bị lột quần áo, đánh hội đồng dã man. Sau khi lột quần áo em này, nhóm nữ sinh còn liên tiếp đấm đá vào mặt em. Nạn nhân là em H.Y. Hiện em H.Y hiện đang hoảng loạn, tinh thần bất ổn, phải điều trị tại BV Tâm thần kinh Hưng Yên. Điều đáng nói là sự việc xảy ra ngay trong lớp học, trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp và giáo viên.
Vấn đề pháp lý đặt ra là với những thông tin được công bố hiện tại thì liệu có thể xử lý hình sự nhóm học sinh cùng lớp có hành vi lột quần áo và hành hung em Y. Ngoài ra trách nhiện của những người liên quan như giáo viên chủ nhiệm lớp, hiệu trưởng nhà trường có được đặt ra?
Th.S Võ Văn Tài (giảng viên trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát TP.HCM) cho biết, nếu thông tin trên báo chí phản ánh về là đúng thì hành vi của nhóm học sinh này có dấu hiệu của hai tội là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134 BLHS) và tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS).
Nhưng do các em này hiện đang ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 thì theo quy định Điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) thì các em này chỉ phải chịu TNHS nếu phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Các tội này được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS, trong đó có tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác chứ không có tội làm nhục người khác.
Vì thế theo Th.S Tài, trong trường hợp này nếu điều kiện thì chỉ có thể xử lý các em về tội cố ý gây thương tích, chứ không xử lý các em về tội làm nhục người khác được. Tuy nhiên muốn xử lý TNHS về tội cố ý gây thương tích thì căn cứ vào kết luận giám định tỷ lệ tổn thương sức khỏe, của người bị hại là em Y.
Theo đó tỷ lệ tổn thương sức khỏe này ít nhất phải là từ 61 % trở lên; hoặc tỷ lệ từ 31 đến 60 % cộng với việc phải có các hành vi được quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS như: Phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội đối với người dưới 16 tuổi. Chỉ khi đáp ứng được các điều kiện này thì mới có thể truy cứu TNHS với nhóm học sinh hành hung em Y.
Về trách nhiệm của Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp, Th.S Tài và TS Phan Anh Tuấn (trường Đại học Luật TP.HCM) đều cho rằng, có thể xem xét xử lý trách nhiệm ít nhất về mặt hành chính.
Tuy nhiên hai chuyên gia cho rằng cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được những người liên quan này có biết tình trạng này xảy ra trong một thời gian mà không có biện pháp can thiệp và để tiếp diễn. Hoặc những người này thiếu sự quan tâm sâu sát để tình trạng này diễn ra kéo dài và nghiêm trọng.
Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm tra làm rõ Sáng 30-3, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên-Bộ GD&ĐT, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng tại Hưng Yên, Bộ đã yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh này kiểm tra làm rõ sự việc, báo cáo cụ thể về Bộ trước ngày 2-4. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Sở chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên ổn định tinh thần của học sinh. Phối hợp với các chính quyền địa phương, các cơ quan hỗ trợ nạn nhân. Phối hợp với công an để điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Sở các trường tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn, Đội, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng văn hóa học đường, trường học an toàn. Không để các vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra trong thời gian tới. |