San lấp bằng chất thải rắn: Điều tra người ký hợp đồng với chủ đất

Ngày 14-1, TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) xử vụ gây ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn với ba bị cáo: Vũ Anh Vũ, Bùi Chí Công và Tống Viết Mười.

HĐXX đã trả hồ sơ để làm rõ trách nhiệm bồi thường, biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng do hành vi trái pháp luật của các bị cáo gây ra.

Điều tra người ký hợp đồng san lấp với chủ đất

Theo HĐXX, quá trình điều tra và thẩm vấn tại tòa cho thấy có căn cứ xác định ông Nguyễn Văn Cơ (người ký hợp đồng san lấp mặt bằng với chủ đất) là người chịu trách nhiệm chính về giám sát việc thi công san lấp mặt bằng, thanh toán tiền theo thỏa thuận và thanh lý hợp đồng.

Ông Cơ biết việc chôn chất thải xuống môi trường nên cần điều tra vai trò của ông trong việc san lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu phạm tội; qua kết quả điều tra, đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa hôm qua, bị cáo Vũ cho rằng cáo trạng không đúng. Bị cáo chỉ đổ 100 xe tải nên khối lượng rác thải không thể lên đến 4.400 tấn.

Các bị cáo tại tòa, sáng 14-1. Ảnh: CÙ HIỀN

“Khi san lấp mặt bằng, ông Cơ biết bị cáo đổ rác thải xuống. Sau khi sự việc bị phanh phui, khu rác đã đổ bị khai quật, bị cáo không nhận được thông báo gì cho đến khi công an mời lên làm việc” - bị cáo Vũ trình bày.

Bị cáo Công khai nhận trước tòa có tham gia chở rác thải thuê cho Vũ. Công đã chở 33 xe rác để đổ vào khu vực san lấp, những xe còn lại là đất, đá. Bị cáo không biết việc chở rác thải san lấp là vi phạm pháp luật.

Bị cáo Mười khai nhận đã chở 30 xe rác thải để san lấp tại khu đất, xe có trọng tải 10 tấn, mỗi xe chở khoảng 4 tấn rác thải.

 Phạt tiền đến 3 tỉ đồng hoặc phạt tù đến bảy năm

Các bị cáo bị truy tố về tội gây ô nhiễm môi trường theo điểm d khoản 3 Điều 235 BLHS 2015. Hình phạt chính cho mỗi người có thể là phạt tiền 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù 3-7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 30-200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. 

Các giải pháp khắc phục hậu quả

Trình bày tại tòa, giám định viên cho biết: Không thể đo được cụ thể số tấn rác thải đã đổ để san lấp khu đất nhưng việc các bị cáo đổ rác thải là có, số rác thải trên đang gây ô nhiễm là có.

Kết quả giám định cho thấy các chất có trong rác thải tại khu đất là chất thải rắn công nghiệp thông thường, không phải chất thải nguy hại. Tuy nhiên, để khắc phục hiện trạng, vẫn cần bóc tách phần rác thải và di chuyển đến nơi xử lý. Do đó, cần có phương án cụ thể, sau đó trình Phòng TN&MT phê duyệt.

Sau khi phương án được phê duyệt và đi vào thực hiện thì phía UBND huyện Bình Chánh và Sở TN&MT cùng giám sát cho đến khi việc trả lại hiện trạng mặt bằng hoàn tất.

Đại diện Phòng TN&MT trình bày tại tòa rằng việc quan trọng nhất bây giờ là trả lại hiện trạng cho khu vực. Phương án mà giám định viên tham mưu là hợp lý nhưng cần cụ thể và được Sở TN&MT phê duyệt.

Chủ đất cho rằng UBND huyện Bình Chánh cần đưa ra phương án khắc phục hậu quả, sau đó trình Sở TN&MT để được phê duyệt rồi thực hiện. Bị cáo Vũ cần ký hợp đồng với cơ quan chức năng để lập phương án. Chủ đất sẽ hỗ trợ 50% chi phí lập phương án. Sau khi có phương án, chủ đất sẽ xem xét hỗ trợ phần chi phí khắc phục, thực hiện càng sớm càng tốt.

Bị cáo Vũ đồng ý phương án khắc phục của chủ đất.

San lấp đất bằng chất thải rắn

Theo cáo trạng, Vũ nhận chuyển nhượng lại việc san lấp hai thửa đất ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, giá 750 triệu đồng.

Từ ngày 9-5-2018, Vũ thuê người chở xà bần, đất, cát từ các công trình xây dựng đem về san lấp đất. Vũ thuê ba tài xế đến chở rác thải tại bãi của Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam về đổ tại khu đất để làm đường vào chống lún xe. Nhận thấy rác thải này có thể dùng để san lấp nên Vũ tiếp tục yêu cầu các tài xế chở về khu đất. Vũ còn thuê người múc đất lấp lên rác thải để tránh bị phát hiện.

Vật liệu dùng để san lấp hai khu đất là chất thải rắn gồm bao bì nhựa phế liệu thải, sợi nylon thải, vải vụn thải, bao bì sợi nylon, bao bì nhựa, vải giả da, bao bì giấy thải, cao su, mút xốp. Tổng khối lượng chất thải gần 4.400 tấn.

Ngày 8-4-2019, Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội gây ô nhiễm môi trường đối với Vũ, đồng thời chuyển hồ sơ về huyện Bình Chánh xử lý theo thẩm quyền. Sau đó có thêm Công và Mười bị xử lý về tội này.

Vũ được xác định là chủ mưu, hai tài xế là người trực tiếp thực hiện tội phạm.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm