Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2017 quy định cơ quan làm oan phải chủ động trong việc phục hồi danh dự cho người bị oan. Đây là quy định được đánh giá là khá tiến bộ so với luật 2009. Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp cơ quan có trách nhiệm im lặng, người bị làm oan vẫn phải dài cổ chờ đợi.
Mòn mỏi chờ đợi lời xin lỗi
Năm 2005, ông Chu Quang Hưng, 72 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM, được xác định bị oan trong một vụ án từ năm 1995 nhưng không được phục hồi danh dự. Cũng từ đó ông Hưng liên tục gõ cửa các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết các quyền lợi chính đáng của mình. Cụ thể, ông yêu cầu bồi thường oan, xin lỗi công khai và xử lý hình sự đối với các cán bộ tố tụng đã làm oan mình.
Tháng 6-2018, ông Hưng đã yêu cầu VKSND TP.HCM bồi thường 1 đồng danh dự và 99 tỉ đồng thiệt hại vật chất. Tháng 11-2019, VKSND TP.HCM mới thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường của ông Hưng. Sau nhiều năm chờ đợi, chiều 19-4-2019, cơ quan này đã tổ chức buổi xin lỗi ông Hưng tại trụ sở UBND phường 13.
Trên đây là một trong những vụ án oan được đình chỉ từ lâu, trước khi Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực nhưng được áp dụng quy định của luật 2017 trong giải quyết bồi thường. Theo đó, cơ quan làm oan phải chủ động trong việc phục hồi danh dự cho người bị oan nhưng thực tế thì trần ai.
Theo Luật TNBTCNN 2017, các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết thụ lý trước thời điểm này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của luật 2009 để giải quyết.
Từ ngày Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực (từ ngày 1-7-2018), các trường hợp được bồi thường theo quy định của luật 2009 mà còn thời hiệu theo luật 2009 nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý giải quyết thì áp dụng luật 2017 để giải quyết.
Anh Phạm Lương Phát Minh (phải) và ông Chu Quang Hưng. Ảnh: PL
Chưa chủ động phục hồi danh dự
Từ tháng 1-2019, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình, TP.HCM đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Phạm Lương Phát Minh (ngụ quận 10) do hết hạn điều tra nhưng không chứng minh được ông có tội.
Vụ khác, ông Bùi Minh Lý (ngụ huyện Cần Giuộc, Long An) bị TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM kết tội cướp giật tài sản và tuyên xử ba năm tù. Xử phúc thẩm tháng 9-2015, TAND TP.HCM đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Từ ngày 31-7-2018, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông do đã hết hạn điều tra nhưng không chứng minh được ông có tội.
Tuy nhiên, đến nay cả VKSND quận Tân Bình cũng như TAND quận Bình Thạnh vẫn chưa ban hành văn bản về việc tổ chức phục hồi danh dự cho ông Minh và ông Lý. Để tìm hiểu nguyên nhân chậm trễ, ngày 30-10-2019, báo Pháp Luật TP.HCM đã có công văn gửi bốn cơ quan là VKSND quận Tân Bình, VKSND TP.HCM, TAND quận Bình Thạnh, TAND TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.
Việc chậm được xin lỗi oan đã khiến ông Lý chưa thoát khỏi mặc cảm với người xung quanh. Ông Lý trần tình: “Dân làng vẫn nghĩ tôi là kẻ cướp. Tôi biết giải thích làm sao cho họ hiểu dù thông tin về việc tôi bị oan đã được đăng trên báo. Tôi có muốn đổi nghề, xin việc làm mới cũng gặp những kỳ thị. Chỉ cần TAND quận về quê tôi nói một lời xin lỗi thì người dân ở ấp, ở xã mới tin tôi vô tội”.
Theo khoản 1 Điều 57 Luật TNBTCNN 2017 thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường..., cơ quan làm oan phải thông báo bằng văn bản cho người bị oan về việc tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều cơ quan làm oan không chủ động trong việc này.
Theo Điều 22 Nghị định 68/2018 (hướng dẫn việc chủ động phục hồi danh dự) thì cơ quan làm oan phải thông báo bằng văn bản về việc tổ chức phục hồi danh dự. Văn bản phải có các nội dung như thời gian, địa điểm tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai; phần thể hiện ý kiến trả lời của người bị thiệt hại.
Không chờ cấp kinh phí xong mới xin lỗi oan Đó là chỉ đạo của VKSND Tối cao trong một thông báo rút kinh nghiệm về án oan vào cuối năm 2019. Theo đó, VKSND Tối cao yêu cầu các VKSND và các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm một số vấn đề: Thứ nhất, cần quan tâm, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về bồi thường của Nhà nước đối với người bị oan. Thứ hai, khi xảy ra các vụ việc có dấu hiệu oan, VKSND các cấp phải quan tâm, xem xét, giải quyết các yêu cầu bồi thường với thái độ cầu thị, không đùn đẩy, né tránh. Thứ ba, khi tiếp nhận các yêu cầu bồi thường thiệt hại, VKSND các cấp phải khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch xác minh để làm rõ căn cứ, điều kiện thụ lý hoặc không thụ lý các yêu cầu bồi thường. Thứ tư, đối với các yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của đơn vị mình, VKSND các cấp cần xây dựng kế hoạch để tổ chức, thực hiện; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm triển khai, trách nhiệm của từng cá nhân và ấn định thời gian hoàn thành; tránh tình trạng kéo dài việc giải quyết. Thứ năm, khi đã xác định rõ trách nhiệm bồi thường của VKSND thì phải chủ động công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho người bị oan, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người bị oan. Không chờ cấp kinh phí xong mới tiến hành xin lỗi, phục hồi danh dự. Thứ sáu, bên cạnh việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã để xảy ra oan. Thứ bảy, quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, nếu có vướng mắc, các đơn vị cần báo cáo, thỉnh thị VKSND Tối cao (Vụ 7), tránh việc trả lời không thống nhất quan điểm xử lý giữa các cấp và giữa các thời điểm. |