Sẽ sớm xử lý vụ thi tuyển hiệu trưởng ĐH Luật

Tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp sáng 20-7, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Tư pháp, cho biết Bộ vừa có văn bản xin lỗi ông Lê Đình Vinh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink). Ông Vinh là người đã trúng tuyển chức danh hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội vào kỳ thi năm 2015 nhưng không được bổ nhiệm.

“Không đủ cơ sở để bổ nhiệm”

Cụ thể, ông Đỗ Đức Hiển cho hay ngày 15-6, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời cho ông Vinh. Văn bản này trình bày về việc không có đủ cơ sở để bổ nhiệm ông Vinh giữ chức hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, mặc dù ông Vinh đã được công bố trúng tuyển kỳ thi năm 2015. 

“Bộ Tư pháp trân trọng xin lỗi và mong muốn nhận được sự chia sẻ, thông cảm từ phía ông Vinh về sự việc đáng tiếc này” - ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, Bộ Tư pháp nhận thiếu sót chưa kịp thời điều chỉnh đối tượng thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường ĐH Luật theo đề án của Bộ Tư pháp để phù hợp với Thông báo 202 của Bộ Chính trị.

Bộ sẽ chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót nêu trên kiểm điểm nghiêm túc, coi đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý của Bộ. Hiện Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng và các cơ quan trung ương có liên quan về việc này.

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của những người liên quan và trình tự xử lý sự việc. Đáp lại, ông Hiển trả lời ngắn gọn: “Tới đây Bộ Tư pháp sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân có liên quan”.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự, phát biểu. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cũng thông tin thêm Bộ vừa phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp năm 2018.

Theo đề án, Bộ Tư pháp tổ chức thí điểm thi tuyển năm vị trí dự tuyển thuộc ba đơn vị. Cụ thể là phó giám đốc Học viện Tư pháp; phó vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và phó chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án (THA) dân sự; trưởng bộ môn ngoại ngữ và phó trưởng phòng Tài chính-Kế toán Trường ĐH Luật Hà Nội.

Đề án quy định cụ thể về đối tượng dự tuyển; điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển; môn thi, nội dung, thời gian, thang điểm chấm thi; quyền, nghĩa vụ của người dự thi; việc đưa tin, phát ngôn về kỳ thi; tiêu chuẩn, số lượng thành viên, thành phần, nhiệm vụ của hội đồng thi tuyển, ban giám sát và tổ giúp việc; quy trình, thời gian tổ chức kỳ thi tuyển; phân công nhiệm vụ các đơn vị liên quan đến tổ chức thực hiện. Dự kiến việc tổ chức thi tuyển sẽ được tiến hành trong quý III.

Đang thi hành 600 tỉ vụ ông Đinh La Thăng

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc THA dân sự đối với ông Đinh La Thăng với số tiền hơn 600 tỉ đồng, ông Nguyễn Thanh Thủy (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THA dân sự) cho hay vụ việc này đã được TAND TP Hà Nội chuyển sang cho cơ quan THA của Hà Nội. Cơ quan THA của Hà Nội đang làm thủ tục theo quy định.

“Sau này có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin cho báo chí. Hiện nay cơ quan THA của Hà Nội mới đang làm thủ tục, chưa có kết quả cụ thể” - ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng cho biết thêm, theo thông tin sơ bộ mà Tổng cục THA nắm được thì trong quá trình điều tra vụ án, các cơ quan tố tụng cũng chưa áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa tài sản đối với ông Đinh La Thăng.

Bộ nói về đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư có thu tiền

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp), cho hay hiện nay quyền bí mật đời tư, cá nhân mới được quy định về mặt nguyên tắc trong hiến pháp… còn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết về vấn đề này.

Hiện trong Luật Hộ tịch các thông tin như khai sinh, hôn nhân… được coi là dữ liệu đầu vào của dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng cộng có 15 trường thông tin, trong đó chín trường thông tin thuộc hộ tịch. Các thông tin này thường xuyên được cập nhật.

Điều 59 Luật Hộ tịch có quy định nguyên tắc kết nối, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, phải tới năm 2019 Bộ Tư pháp mới soạn thảo dự thảo nghị định để hướng dẫn Điều 59 nêu trên . Về nguyên tắc bảo mật, được quy định tại Điều 61 Luật Hộ tịch thì chỉ có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mới được khai thác, sử dụng dữ liệu dân cư. Không thể khai thác tự do được. Điều 74 luật này cũng chỉ rõ các công chức phụ trách về hộ tịch phải chịu trách nhiệm nếu để lộ thông tin về dữ liệu dân cư” - ông Khanh nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm