Thua kiện vì tự ý bỏ việc khi bị điều động việc mới

Ông Kiệm làm việc tại Công ty Bông Sen từ năm 1999. Năm 2008, ông được điều động sang làm nhân viên an ninh. Tháng 12-2013, công ty ký hợp đồng không xác định thời hạn với ông.

Theo ông Kiệm, quá trình làm việc, ông luôn hoàn thành nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật, nhiều năm xếp loại nhân viên giỏi. Trong tháng 7 và tháng 8-2015, công ty ra ba quyết định tạm đình chỉ công việc của ông vì lý do “điều tra xác minh việc ông Kiệm không tuân thủ điều động của cấp trên, bỏ ca trực…”. Ngày 25-9-2015, công ty ra quyết định cách chức nhân viên an ninh. Cùng ngày, công ty ra quyết định điều động ông làm nhân viên vệ sinh công nghiệp. Ông khiếu nại đến ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổng giám đốc công ty và không đến nhận việc tại tổ vệ sinh công nghiệp. Ngày 14-10-2015, Phòng LĐ-TB&XH quận 7 tiến hành hòa giải. Ngày 26-10-2015, công ty ra quyết định sa thải ông. Ông khởi kiện yêu cầu tòa án hủy ba quyết định đình chỉ công việc, quyết định điều động công việc và quyết định sa thải…

Xử sơ thẩm, TAND quận 7 nhận định căn cứ vào hợp đồng lao động, các bên thỏa thuận làm việc theo ca. Thực tế tại thời điểm 30-6-2015, ông Kiệm đã làm việc 12 giờ liên tục, tức đã làm thêm 50% số giờ làm việc bình thường. Khi trưởng ca yêu cầu làm việc thêm giờ (tăng thêm một ca 12 giờ) ông Kiệm từ chối là đúng quy định pháp luật. Tòa nhận định các quyết định đình chỉ công việc của ông Kiệm là trái pháp luật nên tuyên hủy và buộc công ty phải trả đủ lương cho ông Kiệm trong thời gian tạm đình chỉ công tác.

Về quyết định điều chuyển công việc, tòa nhận định căn cứ Điều 31 Bộ luật Lao động, khi người sử dụng lao động điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động phải thông báo trước cho người lao động biết trước ít nhất ba ngày làm việc và phải thông báo rõ thời hạn làm tạm thời này nhưng không được quá 60 ngày trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động. Do đó, quyết định điều chuyển này cũng trái luật nên tòa tuyên hủy.

Tuy nhiên, theo tòa sơ thẩm, dù không đồng ý với quyết định điều động thì trước tiên ông Kiệm vẫn phải chấp hành, đồng thời có quyền khiếu nại. Ông Kiệm tự ý bỏ việc quá quy định, công ty ra quyết định sa thải là có cơ sở. Từ đó, tòa quyết định bác yêu cầu của ông Kiệm đối với quyết định sa thải.

Ông Kiệm kháng cáo. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đồng tình với nhận định của tòa sơ thẩm nên đã quyết định như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm