Vừa qua, TAND TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã xử sơ thẩm lại vụ án “Bà bán tạp hóa và cái mặt nhìn thấy ghét”.
Đây là lần xét xử sơ thẩm thứ hai của tòa đối với vụ án đánh lộn gây thương tích giữa những người hàng xóm trong việc mua bán hàng tạp hóa xảy ra từ tháng 3-2017.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Bạc Liêu đề nghị HĐXX kiến nghị CQĐT xem xét dấu hiệu tội phạm về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của những người tiến hành tố tụng.
Đề nghị này đã được HĐXX chấp nhận và ghi nhận trong bản án: “HĐXX đề nghị CQĐT xem xét hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu vụ án của ông Võ Minh Trí, ông Lê Hồng Quân, ông Huỳnh Chí Nguyện và ông Hồ Hải Đăng theo tin báo tố giác tội phạm”…
Bà Nhị (trái) yêu cầu tiếp tục xét xử để minh oan cho bà vì bà chỉ vào can ngăn nhưng bị tấn công bằng đá làm chấn thương mắt và té xỉu.
Tòa đình chỉ nhưng bị cáo vẫn một mực kêu oan
Bị cáo Lý Thị Sự và bị cáo Châu Thị Nhị kêu oan suốt từ khi vụ án được khởi tố.
Tòa đình chỉ vụ án đối với bị cáo Châu Thị Nhị vì bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Bà Nhị không đồng ý vì đình chỉ như vậy thì không minh oan được cho bà. Bà chỉ vào can ngăn nhưng bị tấn công bằng đá từ phía sau làm chấn thương mắt và té xỉu.
Bị cáo Lý Thị Sự liên tục kêu oan và cho rằng trong khi xô xát, nhiều người chứng kiến bị cáo bị tấn công nhiều nhất.
Tuy vậy, tòa lại nhận định bị cáo Sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạt 9 tháng tù (sơ thẩm lần một tòa xử bà 27 tháng tù).
Bị cáo còn lại nhận án sáu tháng tù nhưng được hưởng án treo.
Trước đó, TAND tỉnh Bạc Liêu huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm (lần một) để điều tra lại với nhận định cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, lời khai người làm chứng mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với người làm chứng khác. Tòa sơ thẩm không xác định được bị cáo Nhị và bị cáo Sự gây thương tích cho bị hại ở những vị trí nào khu vực mặt bị hại (chưa cá thể hoá hành vi).
Rút truy tố tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ”
Các bị cáo bị truy tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS với tình tiết hành vi phạm tội "có tính chất côn đồ”
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, VKS rút truy tố tình tiết này vì bị cáo và bị hại có mâu thuẫn từ trước đúng như phân tích của PLO trong các bài báo trước đây.
PLO từng có bài phân tích cơ quan tố tụng xác định hành vi của hai bị cáo có tính chất côn đồ là không đúng vì theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì “có tính chất côn đồ” được hiểu là hành động luôn phá rối trật tự trị an, thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người…
Tòa chấp nhận việc rút truy tố tình tiết này và xét xử theo khoản 1.
Tiếp tục kêu oan Sau khi tòa tuyên án, bị cáo Sự và bị cáo Nhị tiếp tục kháng cáo kêu oan. Đơn kháng cáo cũng chỉ ra nhiều vấn đề của bản án sơ thẩm. Thứ nhất: Bản án kết tội dựa vào các lời khai. Tòa không chấp nhận lời khai thay đổi của bà Sự nên sử dụng lời khai trước đây của bà Sự để kết tội. Trong khi đó, tòa lại chấp nhận việc thay đổi lời khai của ba người làm chứng và sử dụng lời khai thay đổi này để làm căn cứ kết tội. Toà không chấp nhận sự thay đổi lời khai của bị cáo mà lại chấp nhận sự thay đổi lời khai của người làm chứng để buộc tội là không khách quan trong đánh giá chứng cứ. Bên cạnh đó, lời khai của ba người làm chứng trước sau không thống nhất, họ lại vắng mặt tại phiên tòa. Do đó, tòa không thể cho đối chất, thẩm tra xem lời khai của người làm chứng có khách quan, có chính xác không. Tuy vậy nhưng tòa lại căn cứ vào lời khai bất nhất của người làm chứng để buộc tội. Thứ hai: căn cứ vào đơn tố cáo của bị cáo về hành vi cố ý ghi thêm lời khai của bị cáo vào biên bản, HĐXX có ghi nhận trong bản án “đề nghị CQĐT xem xét hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu vụ án của những người tiến hành tố tụng theo tin báo tố giác tội phạm”… Điều này có nghĩa là HĐXX thấy có căn cứ cho rằng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ. Tuy nhiên, khi chưa có kết quả điều tra xác định có sự việc này hay không mà HĐXX đã căn cứ vào lời khai ban đầu của bị cáo để kết tội. Bản án nói bà Sự, bà Nhị đánh gây thương tích cho bị hại nhưng không nói rõ là bị cáo dùng vật gì hay dùng tay, chân để gây thương tích. Thứ ba: Bản án nói bị cáo Sự, bị cáo Nhị đánh gây thương tích cho bị hại nhưng không nói rõ là bị cáo dùng vật gì hay dùng tay, chân để gây thương tích. |