Chiều 23-9, phiên tòa xét xử sáu bị cáo vụ ngân hàng “bốc hơi” 2,4 tỉ đồng của TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục làm việc.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lệ (cựu thủ quỹ Quỹ nghiệp vụ phát hành, NHNN chi nhánh Hưng Yên), các luật sư (LS) đưa ra thêm nhiều quan điểm nhằm chứng minh trách nhiệm để mất tiền không thuộc về thân chủ của mình.
Bị cáo Nguyễn Thị Lệ tại tòa chiều 23-9. Ảnh: TP
Có sai sót ở khâu đóng bó tiền?
LS của bị cáo Lệ cho rằng “có vấn đề” ở khâu đóng bó tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại các ngân hàng thương mại.
Theo đó, hồ sơ vụ án có rất nhiều bút lục thể hiện nhiều ngân hàng thương mại từng có văn bản phản hồi tới NHNN chi nhánh Hưng Yên về việc thiếu hụt tiền. Trong các văn bản này, phía ngân hàng thương mại thừa nhận có một số thiếu sót khi đóng bó tiền.
Điển hình là lỗi do sơ suất, tin cậy khách hàng nên nhận thiếu; tiền bị kẹt trong máy; người đóng bó nhầm lẫn vì máy đếm bị kẹp rít; thiếu sót trong quá trình thu chi; nhân viên chủ quan không đếm bằng tay…
Ngoài ra, nhiều bút lục còn cho thấy một số bó tiền tại các ngân hàng thừa hàng trăm tờ tiền mệnh giá nhỏ.
Do vậy, việc cơ quan công tố cho rằng không thể có sai sót ở khâu đóng bó tiền tại các ngân hàng thương mại, từ đó cáo buộc trách nhiệm thuộc về quỹ nghiệp vụ phát hành dưới sự quản lý của bị cáo Lệ, là đi ngược lại căn cứ nêu trên.
Nói thêm về vấn đề này, một LS khác của bị cáo đưa ra hàng chục công văn của các ngân hàng thương mại, với nội dung thừa nhận có sơ suất khi để xảy ra việc thiếu hụt tiền. Tuy nhiên, sơ suất này của phía ngân hàng thương mại lại không được đề cập trong cáo trạng cũng như bản luận tội của VKS.
Trước đó, ở phần xét hỏi, LS đề nghị HĐXX cho hỏi đại diện các ngân hàng thương mại về việc có sai sót gì dẫn đến mất tiền hay không.
Tuy nhiên, một số đại diện vắng mặt, số còn lại khi được hỏi đều nói phía ngân hàng đã có văn bản trả lời cơ quan điều tra nên không nêu quan điểm gì, hoặc do mới nhận công tác nên không nắm chi tiết.
Các LS bào chữa cho bị cáo Lệ nêu quan điểm tại tòa. Ảnh: TP
Tranh luận về chữ ký trên bao tiền bị thiếu
Một tình tiết quan trọng khác liên quan đến hai bó (tương đương 200 triệu đồng) tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông bị mất. Theo VKS, trên bao tiền bị thiếu có niêm phong chứa chữ ký của Nguyễn Thị Lệ và Trịnh Anh Thuân (cựu kiểm ngân).
Quá trình điều tra, CQĐT có trưng cầu giám định chữ ký trên các niêm phong bao tiền. Kết quả giám định không đủ cơ sở kết luận chữ ký trên niêm phong và chữ ký của Lệ là cùng một người ký ra. Bị cáo Lệ cũng không thừa nhận đây là chữ ký của mình.
Vậy nhưng, VKS vẫn khẳng định chữ ký trên là của bị cáo. Lý do: ở giai đoạn điều tra ban đầu, Lệ và nhiều người đều thừa nhận đây là chữ ký của bị cáo. Vì thế, trách nhiệm để mất hai bó tiền thuộc về Lệ và Thuân.
LS cho rằng nhận định trên của VKS là thiếu căn cứ. Tất cả nhân chứng cũng như bị cáo khi được hỏi tại tòa đều khẳng định được nhận dạng chữ ký của Lệ chỉ bằng mắt thường, cảm nhận.
“Việc nhận diện phải dựa trên chứng cứ khoa học, cụ thể ở đây là kết quả giám định. Kết quả cho thấy không trùng khớp, vậy VKS dựa vào căn cứ nào để khẳng định lời khai của những người liên quan là đúng” – LS nói.
LS này đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, khi kết quản giám định không thể xác định đó là chữ ký của Lệ thì không thể quy buộc trách nhiệm với bị cáo.
Đối đáp lại quan điểm của các LS, đại diện VKS vẫn khẳng định Lệ là người trực tiếp nhận các bó tiền do ngân hàng thương mại chuyển đến nên phải chịu trách nhiệm, việc mất tiền diễn ra trước khi cho vào kho.
“Kể cả phía ngân hàng thương mại có đóng bó thiếu thì bị cáo vẫn có trách nhiệm phải kiểm tra” – kiểm sát viên nói.
Ngay lập tức, LS bác bỏ lập luận trên của kiểm sát viên vì cho rằng Lệ chỉ có trách nhiệm kiểm bó, đếm thếp chứ không kiểm đếm số tờ trong mỗi bó tiền. “Nếu mất tiền trước khi vào kho chẳng lẽ Lệ bỏ tiền túi ra để bù vào cho đủ, để bàn giao cho kho dự trữ đúng, đủ”? – nữ LS hỏi.
HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận, sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 25-9 tới đây.