Pháp nỗ lực giải cứu thỏa thuận Iran

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 23-4 khởi động chuyến công du kéo dài ba ngày tại Mỹ theo lời mời của người đồng cấp Donald Trump.

Tự tin về mối quan hệ đặc biệt

Có thể nói “tình bạn” giữa hai nhà lãnh đạo bắt đầu từ cuộc hội đàm đầu tiên tại Bỉ gần một năm trước với cái bắt tay “gồng mình” kéo dài đến bảy giây. Gần hai tháng sau, trên đại lộ Champ-Elysees của Paris, khi có chuyến công du đến Pháp nhân ngày lễ quốc khánh, ông Trump và ông Macron lại có thêm một cái bắt tay kéo dài đến… 29 giây.

Nhưng sau những cái bắt tay lúng túng là những nỗ lực ngoại giao khéo léo của Tổng thống Pháp, người có thể nói là nhà lãnh đạo châu Âu nỗ lực nhất trong duy trì quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Trump. Ngay trước thềm chuyến công du, ông Macron vào ngày 22-4 đã có buổi phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, một đài truyền hình được theo dõi bởi đông đảo những cử tri ủng hộ ông Trump và ngay cả bản thân tổng thống Mỹ. Chính trị gia 40 tuổi của Pháp đã dành những lời có cánh để mô tả về mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người đồng cấp phía Mỹ.

Cái bắt tay đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 25-5-2017. Ảnh: AFP

Trước đó, một ngày sau vụ không kích tại Syria hôm 14-4, ông Macron cũng dành một phần buổi phỏng vấn với đài truyền hình BFMTV để chia sẻ về những tác động của cá nhân ông đối với quyết định không kích của ông Trump. Tổng thống Pháp cho biết đã thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ giới hạn các mục tiêu không kích và tiếp tục giữ hiện diện quân sự tại Syria.

Chúng tôi có mối quan hệ rất đặc biệt vì cả hai đều là “người lạ” trong hệ thống chính trị hai nước. Việc Tổng thống Trump thắng cử nằm ngoài mọi dự đoán tại Mỹ và có lẽ cũng không ai tại Pháp đoán được kết quả đợt tranh cử của tôi. Chúng tôi không nằm trong hệ thống chính trị kiểu cổ điển.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON 
trả lời Fox News ngày 22-4  về mối quan hệ đặc biệt với
Tổng thống Mỹ Donald Trump

 

Vẫn còn nhiều bất đồng

Ông Macron sẽ cần tận dụng hết tài ngoại giao của mình để thuyết phục ông Trump đổi ý trong những vấn đề mà hai bên còn bất đồng, điển hình như vấn đề Syria. Tổng thống Pháp trước thềm chuyến công du đã kêu gọi Mỹ và đồng minh duy trì hiện diện ở Syria để tái thiết quốc gia này và chống lại ảnh hưởng của Iran. Tuy nhiên, ông Trump trong suốt nhiều tháng qua đã nhấn mạnh rõ lập trường rút quân đội Mỹ khỏi Syria sớm nhất có thể và nhường vấn đề lại cho các đối tác trong khu vực giải quyết.

Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng là một bài toán khó mà ông Macron đang chật vật tìm lời giải. Ngược với nguyện vọng của các thành viên còn lại trong nhóm P5 + 1 (năm nước thành viên Hội đồng Bảo an cộng với Đức), chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump xem đây là một thỏa thuận tồi tệ và cần được chấm dứt. Chuyến công du lần này của ông Macron được đánh giá như một “sứ mệnh giải cứu” thỏa thuận hạt nhân Iran trước khi ông Trump khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế lên Iran vào giữa tháng tới, theo Reuters.

Ngoài những vấn đề an ninh, nhà lãnh đạo trẻ Pháp sẽ còn phải vận động Tổng thống Trump đặc cách không áp đặt hàng rào thuế quan 25% lên thép nhập khẩu từ các nước Liên minh châu Âu (EU). Mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5 và chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ đổi ý.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp của Pháp vào ngày 23-4. Hai nhà lãnh đạo thống nhất rằng thỏa thuận hạt nhân Iran cần được duy trì và Mỹ không nên khôi phục các trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran, theo Reuters. Ông Putin tiếp tục nhấn mạnh chiến dịch không kích Syria đi ngược lại luật pháp quốc tế và khiến tiến trình chính trị tại Trung Đông thêm phức tạp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm