Một vật thể có hình dạng giống như một chiếc ốc vít dài khoảng 2cm nằm trong một hòn đá đã và đang thu hút được sự chú ý của cả thế giới. Kể từ khi được tìm thấy vào những năm 1990 tại Nga, hóa thạch này đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong giới khoa học liên quan tới nguồn gốc xuất xứ của chúng.
Cận cảnh hóa thạch được tìm thấy
Theo đó, một nhóm nghiên cứu người Nga chuyên về các hiện tượng không gian và siêu nhiên có tên gọi Kosmopoisk đã xác định rằng vật thể kỳ lạ này có niên đại từ cách đây hơn 300 triệu năm về trước.
Bản đồ khu vực nơi phát hiện ra hóa thạch "ốc vít" kì lạ trên
Kết luận này dẫn đến việc đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là sản phẩm của một nền văn minh đã bị mất tích từ xa xưa. Thậm chí, có ý kiến cho rằng chiếc “ốc vít” này là một món đồ lưu lạc của người ngoài hành tinh. Điều này cũng có phần logic bởi hóa thạch được tìm thấy tại Kaluga, khu vực mà cách đây 300 triệu năm từng "đón nhận" một mảnh thiên thạch đáp xuống Trái đất.
Có lẽ nào đây là một chiếc ốc vít trên đĩa bay của người ngoài hành tinh!
Ngược lại, dưới góc nhìn của các chuyên gia nghiên cứu về khảo cổ học, chiếc “ốc vít” này thực chất chỉ là một mảnh hóa thạch còn sót lại của loài Huệ biển cổ xưa mà thôi.
Huệ biển hiện nay là một loài động vật thân mềm, thường sống ở vùng nước biển nông có độ mặn ổn định, được chiếu sáng tốt và nhiều oxy. Chúng có các xúc tu và một cái miệng – cũng là hậu môn ở trên đỉnh thân.
Tuy nhiên, hàng trăm triệu năm trước, Huệ biển không giống như bây giờ. Theo mô tả, chúng có thân dài hình ống và có rất nhiều đốt trên thân. Tỷ lệ kích thước giữa chiều dài thân và kích thước của đài hoa Huệ biển cổ đại cũng rất khác biệt so với hiện nay.
Lý giải thêm, các nhà khảo cổ cho hay: Do tác động của thời gian, hóa thạch được tìm thấy đã không được nguyên vẹn như hình dạng của loài Huệ biển gốc. Lớp đất đá bao phủ xung quanh đã khiến cho kích thước của hóa thạch lớn lên rất nhiều, khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đó là dấu tích của người ngoài hành tinh để lại.
Theo kenh 14/Trí Thức Trẻ