Phẫu thuật 'trả lại' tinh hoàn cho bé trai 2 tuổi

Ngày 20-3, khoa Ngoại và Chuyên khoa - BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bé NLNM (hai tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) trong tình trạng không có tinh hoàn trong bìu trái.

Theo gia đình bé M., gia đình phát hiện bé không có tinh hoàn trái trong bìu từ lúc mới sinh nhưng đưa đi điều trị. Gia đình hy vọng tinh hoàn sẽ xuống nhưng đến nay bé đã hai tuổi vẫn không thấy tinh hoàn nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy một tinh hoàn trái nằm trong ống bẹn trái kích thước 1x0.5 mm, tinh hoàn phải của bé bình thường. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tinh hoàn lạc chỗ và chỉ định phẫu thuật hạ lại tinh hoàn; phương pháp gây mê ngoài màng cứng cho bé.

Các bác sĩ đã tiến hành tìm và bóc tách thừng tinh khỏi tổ chức xung quanh, tách ống phúc tinh mạc khỏi ống dẫn tinh và bó mạch tinh, tạo khoang chứa tinh hoàn và hạ tinh hoàn xuống bìu trái cho bệnh nhi. Sau hơn một giờ phẫu thuật, tinh hoàn trái đã được đưa về đúng vị trí chức năng trong bìu.

Theo BS Hoàng Văn Quỳnh, tinh hoàn lạc chỗ là tình trạng tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bìu) khi trẻ được sinh ra mà nằm trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn, xuống bìu hoặc trong ổ bụng của trẻ.

Cũng theo BS Quỳnh, các trường hợp tinh hoàn ẩn bẩm sinh cần được phát hiện sớm và can thiệp khi trẻ trước 1-2 tuổi để giữ được chức năng sinh sản của tinh hoàn. Nếu để càng lâu thì nguy cơ cao mất cả chức năng sinh sản, sinh dục do nằm lạc vị trí quá lâu. Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp do tinh hoàn ẩn như xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn…

“Phụ huynh có thể tự khám cho trẻ bằng cách nhìn bìu lép hoặc không sờ thấy tinh hoàn ở bìu là có thể chẩn đoán là tinh hoàn bị lạc chỗ hoặc ẩn tinh hoàn. Khi đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay cho bé” - BS Quỳnh khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm