Đó là có đến chín người đưa hối lộ gần chục tỉ đồng kèm theo các thông tin chi tiết về thời gian, số lần, tên người nhận tiền… và một người môi giới hối lộ nhưng tuyệt nhiên không có người nhận hối lộ!
Tháng 10-2018, sau nhiều lần đưa vụ án ra xét xử và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên xử 9/10 bị cáo từ một năm sáu tháng đến 14 năm tù về tội đưa hối lộ. Bị cáo thứ 10 vốn là CSGT thì bị tám năm tù về tội môi giới hối lộ. Các mức án này cao hơn rất nhiều so với đề nghị của VKS tại phiên xử và hiện có sáu bị cáo kháng cáo.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm, cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân là người cúi đầu. Ảnh: HY
Tội trạng của 10 bị cáo được tòa cấp sơ thẩm xác định như sau: Từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, các bị cáo câu kết với một số tài xế, chủ xe tải thường lưu thông trên những tuyến đường thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM góp tiền đưa cho thanh tra giao thông (TTGT), CSGT. Mục đích hối lộ là để họ không bị xử phạt khi vi phạm luật giao thông.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo về tên người nhận tiền, đã có 62 cán bộ CSGT và 18 cán bộ TTGT của ba tỉnh, TP trên bị CQĐT triệu tập. Tuy nhiên, phần lớn họ đều phủ nhận. Chỉ có duy nhất một CSGT thuộc Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai chịu nhận đã môi giới cho một bị cáo đưa hối lộ 12 lần…
Tính ra, đối với hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, dù không có bằng chứng giao nhận tiền nhưng các cơ quan pháp luật vẫn đấu tranh và chuyển hóa thành công các dấu hiệu thành chứng cứ để xử tội. Còn đối với hành vi nhận hối lộ, với lý do không ai thừa nhận có việc nhận tiền, các cơ quan tố tụng đã cam chịu thất bại.
Về lý thuyết pháp lý, hai tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ không cần kết quả. Người đưa, môi giới không cần chứng minh đã đưa tiền cho ai, chỉ cần họ có ý thức chủ quan là dùng tiền đưa hối lộ để đạt được các lợi ích riêng thì tội phạm được coi là đã hoàn thành.
Hẳn là các nguyên tắc đó đã được nhiều cơ quan cầm cân công lý viện dẫn để cho ra các kết quả cắt khúc. Thế nhưng theo lẽ thường phàm có đưa phải có nhận, cứ làm khác hoài sao chấp nhận được.
Dưng không các bị cáo dễ dàng xác định được tên tuổi, đơn vị làm việc của các TTGT, CSGT khi cho nhận dạng. Dưng không mà điện thoại của các bị cáo có sự liên hệ với các số điện thoại của các TTGT, CSGT... Ắt phải từ những mối quan hệ mà việc xác định bằng các nghiệp vụ điều tra có thể không nhanh được nhưng quan trọng là các cơ quan công an có thật sự muốn đi đến cùng sự thật hay không.
Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân là người duy nhất bị đưa ra xét xử trong số 80 CSGT và Thanh tra giao thông liên quan đến vụ án. Chân bị tòa sơ thẩm phạt 8 năm tù về tội môi giới hối lộ và không kháng cáo. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Gần đây nhất, trong vụ án liên quan đến việc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh ở Công ty CP VN Pharma, mâu thuẫn về việc đưa-nhận hối lộ cũng được lặp lại. Vụ án này có một bị cáo bị xử phạt năm năm tù về tội đưa hối lộ, hai bị cáo khác bị hơn một năm tù cùng về tội môi giới hối lộ. Chỉ có hai loại tội đó thôi, vì tuy các bị cáo khai rõ về các cán bộ đã nhận cả chục tỉ để giúp chạy án nhưng không ai (dại dột) gật đầu liền.
Riêng trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La thì vô lý trên lại được thay thế bằng điều ngược lại. Cùng có những cái lắc đầu lia lịa nhưng khác với các vụ có người đưa mà không có người nhận, vụ án này có người nhận mà không có người đưa. Cho là ngoài lời khai của người nhận thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh có việc đưa, VKS tỉnh quyết định không truy cứu tội nào cả (nhận hối lộ và môi giới hối lộ). Càng “ơi trời” hơn, cả tỉ đồng nhận hối lộ do các bị can giao nộp đã được VKS tỉnh quy kết là do vụ lợi mà có (một cáo buộc không đâu ra đâu về nguồn gốc của số tiền và nội dung vụ lợi).
Nào giờ mọi người vẫn nhìn thấy trong rất nhiều vụ án thì CQĐT của ta không dở, pháp luật của ta không quá hở để có thể liên tiếp gây ra những khó hiểu, khó tin. Vậy nên với nhóm tội hối lộ thuộc loại tội tham nhũng, các CQĐT sẽ gắng sức tháo gỡ vướng mắc để từng vụ đều có lời giải đáp triệt để, rõ ràng. Khi đó, các cơ quan chấp pháp mới bảo đảm được sự công bằng với mọi người phạm tội, gồm có người đưa hối lộ, môi giới hối lộ và cả người nhận hối lộ.
Và quan trọng hơn, sự quyết tâm lôi ra ánh sáng từ người đưa đến người môi giới và người nhận hối lộ của cơ quan tố tụng mới làm dân tin rằng chống tham nhũng không có vùng xám, vùng cấm hay vùng… bỏ ngỏ nào!