Như đã đưa tin, chiều 3-10, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ đường dây "logo xe vua" do bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976) và Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982; cùng ngụ TP.HCM) chủ mưu. Vụ án có 9/10 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ liên quan đến hai đường dây của các bị cáo Thới, Trần Quốc Thái và Vân.
Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973, cựu cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) bị xét xử về tội môi giới hối lộ.
Bị cáo đầu vụ Nguyễn Văn Thới. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Đáng chú ý, vụ án có liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ cho 80 cán bộ thanh tra giao thông (TTGT), cảnh sát giao thông (CSGT) tại các địa phương Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM nhưng chỉ duy nhất bị cáo Chân bị truy tố.
Phần tuyên án, HĐXX nhận định theo các diễn biến tại phiên tòa và cáo trạng của VKS thì hành vi của 79 TTGT, CSGT khác chưa đủ căn cứ để cấu thành tội phạm. Vì thế, quá trình khởi tố và truy tố không đưa những người này vào tham gia tố tụng trong vụ án nên HĐXX không xem xét tới 79 người này.
Trước đó, trong phần tranh luận, các luật sư của bị cáo cũng như đại diện VKS không đề cập tới hành vi của 79 cán bộ TTGT và CSGT này, dù ban đầu được cho là có liên quan đến hành vi nhận hối hộ và môi giới hối lộ.
Phần tuyên án, HĐXX đã tuyên phạt cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân tám năm tù về tội môi giới hối hộ (trong khi VKS chỉ đề nghị mức án từ bốn năm sáu tháng đến năm năm sáu tháng tù).
Các bị cáo: Thới bị phạt 14 năm tù, Thái bị 10 năm tù, Vân bị chín năm tù (tại tòa, đại diện VKS chỉ đề nghị phạt Thới 6-7 năm tù, Thái 5-6 năm tù, Vân 4-5 năm tù).
Sáu bị cáo khác cùng vụ là Mai Văn Thái Em, Huỳnh Tấn Thắng, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Minh Thiên và Nguyễn Phan Hữu Nhân lần lượt bị HĐXX tuyên phạt mức án từ một năm sáu tháng 23 ngày tù đến ba năm sáu tháng tù.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo đã xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng giao thông đường bộ do xe quá tải. Vì vậy cần phải có hình phạt nặng. Nhưng chín bị cáo cũng đã nộp lại số tiền thu lợi bất chính nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân tươi cười. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Tại tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo Em, Thiên, Phúc, Hữu Nhân cho rằng các bị cáo không phạm tội đưa hối lộ bởi lẽ chỉ nghe theo lời của bị cáo Vân đi đưa logo, bán logo và canh đường mà xe đi qua không xin được thì điện về báo lại. Các bị cáo không có sự bàn bạc với Vân.
Đáp lại, VKS cho rằng đây là một đường dây phạm tội nhiều mắt xích, mỗi người là một phần trong xích đó. Tờ giấy logo không có giá trị nhưng đó là tín hiệu để CSGT không thổi phạt. Do đó các bị cáo Em, Thiên, Phúc, Hữu Nhân là đồng phạm cùng với bị cáo Vân về tội đưa hối lộ.
Cũng theo đại diện VKS, bị cáo Thới khai bị bức cung nhục hình là không có cơ sở vì bị cáo không cung cấp được ai đã dùng nhục hình, trên người cũng không để lại dấu vết hay thương tích gì.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Thới, số tiền đưa hối lộ mà cơ quan điều tra dựa vào danh sách xe bán logo thu giữ tại nhà bị cáo để làm căn cứ buộc tội là không thuyết phục. Bởi lẽ trong quá trình điều tra, trong số danh sách xe đó có những xe xác nhận không mua logo từ Thới...
Tuy nhiên, khi nói lời sau cùng, tất cả bị cáo đều nhận hành vi của mình là sai trái, đã ăn năn hối lỗi. Bị cáo Chân nói: “Bị cáo đã rất hối hận vì làm ảnh hưởng đến truyền thống của gia đình, thiếu trách nhiệm của một người con, một người chồng và một người cha. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Thới đã làm quen với một số cán bộ lực lượng TTGT và CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Qua đó, Thới đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để một số cán bộ TTGT, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ nhận biết được và không xử phạt. Trong "phi vụ" này, Thới rủ người thân của mình là Thái cùng tham gia bán logo xe "vua”. |