Ảnh: Shutterstock |
“Ánh sáng là tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình đồng bộ hóa đồng hồ sinh học của cơ thể, vốn đóng vai trò điều phối nhịp ngày/đêm, từ đó tác động đến sự cân bằng năng lượng”, theo ABC News dẫn lời giải thích của Phyllis C.Zee, Giám đốc chương trình nghiên cứu giấc ngủ và nhịp sinh học thuộc Đại học Tây Bắc. Ông cho hay nếu một người không hứng đủ số lượng ánh sáng cụ thể trong ngày, điều này có thể làm mất chức năng đồng bộ hóa đồng hồ sinh học, dẫn đến ngăn cản quá trình trao đổi chất và có thể khiến tăng cân. Cũng theo chuyên gia Zee, thời gian quan trọng nhất mà con người nên đón ánh sáng mặt trời là từ 8 giờ sáng đến giữa trưa. Ông cam đoan rằng không cần phơi nắng quá mức, chỉ cần khoảng 20 - 30 phút tắm nắng cũng đủ tác động đến BMI.
Nguy cơ rối loạn tình trạng trao đổi chất không chỉ xuất hiện ở những người ngủ trễ và dậy trễ. Trên thực tế, hầu hết con người thời hiện đại đều làm việc trong các tòa nhà thiếu ánh sáng mặt trời, và điều này cũng góp phần khiến dân số béo phì gia tăng. Các kết quả trong cuộc nghiên cứu cho thấy 500 lux (lux: đơn vị chỉ cường độ ánh sáng) là “con số kỳ diệu nhất” nếu muốn giảm BMI. Con số này cao hơn từ 200 đến 300 lux so với ánh sáng nhân tạo trong một tòa nhà văn phòng trung bình. Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện mới có thể dẫn đến đột phá trong kiểm soát cân nặng, khi mà việc thao túng ánh sáng hứa hẹn trở thành liệu pháp mới để điều trị tình trạng béo phì.
Bên cạnh đó, những thay đổi nhỏ trong đời sống hằng ngày, như đi ra ngoài dùng bữa vào giờ nghỉ trưa, có thể giúp bức tranh xã hội gọn gàng hơn hẳn. Chuyên gia Zee cũng khuyên nên tập thói quen hoạt động ngoài trời từ thời niên thiếu, đồng thời cần cải thiện thời gian tắm nắng cũng như tăng thời lượng nghỉ giữa giờ học ngoài trời trong các trường học để ngăn chặn nguy cơ béo phì ở học sinh khi trưởng thành.
Theo Tụ Yên (TNO)