Tại buổi nói chuyện về chủ đề “Lợi ích của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm tra vitamin D” do Công ty TNHH Roche Việt Nam tổ chức sáng 2-11, ThS-BS Hồ Phạm Thục Lan đã đưa ra một thông tin khá mới về việc “hứng” vitamin D cho cơ thể lúc nào là tốt nhất. Thông tin này cũng gây ra khá nhiều tranh cãi.
Kinh nghiệm dân gian lâu đời từ xưa đến nay, thậm chí là theo lời khuyên từ các bác sĩ nhi, sản khoa... thì trẻ em mới sinh hay phụ nữ cần cung cấp vitamin D cho cơ thể nhờ ánh nắng mặt trời nên “hứng” nắng vào lúc sáng sớm (trước 8 giờ sáng). Còn thời gian sau đó là không nên do ảnh hưởng của tia UV không có lợi cho làn da và sức khỏe.
Ở góc độ là người có nhiều nghiên cứu về vitamin D từ trước đến nay và theo kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BS Lan cho rằng vitamin D là vitamin trời cho, do đó sử dụng đúng cách mới phát huy hiệu quả. Theo đó, ánh nắng mặt trời được sẽ được chuyển đổi qua da tốt nhất thành vitamin D khi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào da lúc 12 giờ trưa. Còn lúc bóng ngả quá dài so với người thì lượng vitamin D cung cấp cho cơ thể hoàn toàn không hiệu quả hoặc hiệu quả rất kém. Như vậy, quan điểm phơi nắng vào sáng sớm sẽ không hiệu quả cho việc hấp thụ vitamin D.
“Về vấn đề này, bên nghiên cứu ung thư phản đối kịch liệt vì vào 12 giờ trưa mà phơi nắng thì tỉ lệ ung thư da sẽ tăng rất cao. Do đó, sau khi thống nhất nghiên cứu giữa các bên thì khuyến cáo cuối cùng cho “ngày vitamin D 2016” là nên phơi nắng vào lúc 8-9 giờ sáng và khoảng thời gian 15-16 giờ chiều. Chỉ cần phơi nắng tầm 5-10 phút là đủ lượng vitamin D cung cấp cho một ngày. Không nên phơi quá lâu làm ảnh hưởng nhiều cho da" - BS Lan khuyến cáo.
BS Võ Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phòng khám quốc tế EXSON, cho rằng có thể thông tin này ban đầu đưa ra làm cho người dân hoang mang nhưng những thông tin này đã được kiểm chứng trên thế giới và cần có thời gian điều chỉnh vấn đề này trong cộng đồng.
Hiện nay khoảng 50% người Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành thiếu vitamin D. Tình trạng thiếu vitamin D vẫn rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Nếu cung cấp đủ lượng vitamin D cho cơ thể, bản thân có thể tự giảm được 29% nguy cơ tử vong chung và giảm đến 35% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, còn tránh được nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, viêm gan siêu vi C, tiểu đường type 2, cao huyết áp, nguy cơ loãng xương và gãy xương, giảm khả năng gia tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Ngoài ra, nếu cơ thể rơi vào tình trạng thiếu vitamin D cũng sẽ dễ dẫn đến sinh non, sinh con thiếu cân ở thai phụ.
Theo BS Lan, nhóm người có nguy cơ thiếu vitamin D bao gồm: béo phì, lớn tuổi có tiền căn té ngã, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thói quen che kín khi ra ngoài, dùng kem chống nắng, suy thận, suy gan, phụ nữ có thai, cho con bú.