Ngày 28-2, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức buổi tọa đàm Hiệp định EVFTA, tác động của dịch bệnh COVID-19 lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội, nhận định dịch COVID-19 khiến các công ty dệt may, da giày, đồ gỗ... gặp rất nhiều khó khăn. Bà Hạnh dẫn chứng khi đến thăm Công ty Gốm sứ Minh Long, đơn vị này cho biết tình hình rất nghiêm trọng. Ví dụ, công ty vừa tham gia hội chợ quốc tế về lĩnh vực hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ… tại Đức.
Thông thường tham gia hội chợ này, công ty sẽ tìm được đơn hàng lớn nhưng lần này do dịch xảy ra, lượng khách đến giảm 60%; 700 DN của Trung Quốc không đến triển lãm...
Bà Trần Thị Giang Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thái Bình, cũng thông tin: Công ty có hai mảng kinh doanh chính là thương mại xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Cuba và đầu tư nhà máy sản xuất tại Cuba.
Đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, công ty chưa chịu tác động lớn vì hàng hóa đầu vào không mua từ Trung Quốc mà mua từ hơn 200 DN sản xuất tại Việt Nam và các thị trường khác như Braxin, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia…
Tuy vậy, công ty vẫn bị ảnh hưởng như việc giao hàng chậm từ các đơn vị sản xuất có nguyên vật liệu đầu vào xuất xứ Trung Quốc. Riêng với nhà máy sản xuất tả lót và băng vệ sinh tại Cuba chịu tác động rất lớn vì 50% nguyên vật liệu sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp đặt câu hỏi cùng TS Lê Đăng Doanh tại buổi tọa đàm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá hiện nay rất nhiều công ty Việt phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc. Ví dụ, ngành dệt may có đến 60% các linh kiện từ vải đến cái cúc áo, sợi chỉ, cây kim… đều nhập từ Trung Quốc.
Nguyên nhân do các công ty Trung Quốc rất nhanh nhạy, linh hoạt... đối với DN Việt Nam. Khó có DN nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành dệt may một cách thuận lợi, linh hoạt và dễ dàng như Trung Quốc. Ví dụ, công ty Việt yêu cầu đổi lại loại vải nào đó thì họ đáp ứng trong vòng 48 tiếng mà không lấy thêm bất cứ đồng nào.
“DN Trung Quốc cung ứng giá vừa rẻ, nhanh, linh hoạt… nên DN Việt phải phụ thuộc. Khi mất thị trường này, ngành dệt may trở thành một trong những ngành phải trả giá đắt. Dự báo cuối tháng 3 này nhiều đơn vị ngành may sẽ hết vật tư nguyên liệu sản xuất” - ông Doanh cảnh báo.