Ngày 21-10, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết Sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương thuộc tỉnh này phải tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân kế hoạch phun thuốc diệt muỗi để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đề nghị này được đưa ra sau khi báo chí phản ánh hàng loạt người dân ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) phải nhập viện do bị thuốc diệt muỗi phun thẳng vào người.
Xe phun thuốc xịt thẳng vào các ngôi nhà.
Theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, khoảng 6 giờ ngày 20-10, Trung tâm Y tế dự phòng TP Nha Trang tổ chức phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết bằng xe lưu động tại nhiều khu vực dân cư nhưng không hề thông báo trước, xịt thẳng vào các ngôi nhà, người đi đường khiến nhiều người phải nhập viện.
“Xe chạy đến đâu phun ào ào đến đó, xịt thẳng vào nhà, mùi thuốc nồng nặc khiến cả nhà hoảng loạn, trẻ em, người già choáng váng rồi ngất xỉu” - ông Lê Xuân Thanh (77 tuổi, ngụ phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) kể.
Do bị thuốc diệt muỗi xộc thẳng vào người, ông Thanh ngất xỉu, phải nhập viện cấp cứu tại BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với chẩn đoán bị suy hô hấp, co thắt phế quản. Tương tự, gia đình bà Đỗ Thị Nhung (80 tuổi, ngụ phường Vĩnh Nguyên) vừa thức dậy vào sáng sớm thì bị xe phun thuốc phun thẳng vào nhà làm bà này bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu, con cháu bà Nhung bị chảy máu mũi, nôn mửa… Ngoài ra, nhiều người đang đưa con đến trường cũng bị xe phun thuốc xịt thẳng vào người. Thậm chí, nhiều người đang ăn sáng cũng bị phun thuốc vào ngay chỗ ăn, làm họ bỏ chạy tán loạn.
Người đi đường bị xe phun thuốc xịt thẳng vào người.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo quy định, chính quyền địa phương phải thông báo rộng rãi đến người dân trước khi tổ chức phun thuốc ít nhất một ngày để sơ tán những người già yếu, trẻ em, người bị bệnh tim, bệnh hen… ra khỏi vùng phun, để người dân không phơi thức ăn, không mua bán đồ ăn, thức uống trong vùng phun. Tuy nhiên, một số địa phương đã không thực hiện đúng quy định này.
Theo ông Bùi Xuân Minh, do thời gian phun thuốc diệt muỗi trưởng thành phải ở khoảng 6-7 giờ và 18-19 giờ mới có tác dụng và đây cũng là thời gian cao điểm sinh hoạt của người dân nên việc phun thuốc có sự ảnh hưởng. Thuốc diệt muỗi mà ngành y tế Khánh Hòa đang sử dụng không gây độc đối với người nhưng có mùi khó chịu, có một số phản ứng phụ như choáng váng, buồn nôn.
Xe phun thuốc xịt mịt mù trên đường phố Nha Trang.
Cũng theo ông Minh, hiện nay Khánh Hòa đang bùng phát bệnh sốt xuất huyết trên diện rộng, diễn biến ngày càng phức tạp, có nguy cơ trở thành dịch lớn nên phải tổ chức phun thuốc diệt muỗi bằng ô tô.
Số liệu thống kê của các cơ sở y tế ở Khánh Hòa cho thấy đến ngày 11-10 trên địa bàn tỉnh này đã có 3.245 ca mắc sốt xuất huyết, một ca tử vong, cao hơn trung bình năm năm trước. Trong đó, TP Nha Trang là địa phương có số người mắc nhiều nhất với 935 ca; sáu xã, phường đã có dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt, do muỗi kháng thuốc nên Viện Pasteur Nha Trang đã chỉ định tỉ lệ pha 1 lít thuốc chỉ 6 lít nước (bình thường pha 10 lít nước), thậm chí có nơi muỗi kháng thuốc mạnh nên tỉ lệ pha 1 lít thuốc chỉ 4 lít nước.