Hậu À Ra Thế kỳ 76

Thủ trưởng anh A ra quyết định kỷ luật anh A. Anh A cãi lại, không chịu. Đề hỏi: “Ai đúng, ai sai, tại sao?”. Đáp án của ban tổ chức (BTC) cho là anh A đúng, thủ trưởng sai vì Nghị định số 20/2010 của Chính phủ quy định “Cặp vợ chồng mà một hoặc cả hai người đã có con riêng, chỉ sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh” thì không coi là vi phạm (khoản 6 Điều 2).

Bạn thân mến,

Tiếp theo các ý kiến phản biện đáp án đăng số Chủ nhật rồi, số này BTC tiếp tục đăng các ý kiến ủng hộ đáp án. Số Chủ nhật tuần sau sẽ có lời gút của BTC…

Đáp án hoàn toàn đúng!

Bạn Vương Tất Đức (Lâm Đồng) và Nguyễn Thanh Xuân (Đồng Tháp) cho rằng không loại trừ trường hợp hai người đã từng chung sống như vợ chồng (không đăng ký) đẻ đủ “chỉ tiêu” rồi chia tay, sau đó “tái hôn” để đẻ thêm con. Hai bạn nghĩ vậy là không đúng!

Tôi thấy BTC dẫn giải như vậy là chính xác rồi vì theo Nghị quyết số 35/2000 ngày 9-6-2000 của Quốc hội, những cặp vợ chồng sống với nhau từ trước ngày 3-1-1987 dù không đăng ký kết hôn, nhà nước vẫn đương nhiên công nhận là vợ chồng hợp pháp. Họ đẻ đủ hai con rồi thì nếu “tái hôn” cũng không được đẻ nữa.

SÔ KHA (Xã Tân Quan, huyện Hớn Quản, Bình Phước)

“Thả cửa” cho người đã có quá trình sống không hợp pháp?!

Bạn Nguyễn Thanh Xuân (Đồng Tháp) và Vương Tất Đức (Lâm Đồng) không chịu coi trường hợp đã chung sống như vợ chồng (không đăng ký kết hôn) đã có hai con chung, rồi kết hôn lại với nhau là “tái hôn” - không được đẻ nữa. Thử hỏi vợ chồng có hai con hợp pháp, ly hôn rồi tái hôn thì không được đẻ con nữa; mà hai người chung sống không đăng ký, có hai con chung rồi mới đăng ký kết hôn thì được đẻ thêm hai con nữa sao? Vậy chẳng khác nào pháp luật “hạn chế” đối với người sống đàng hoàng, hợp pháp mà “dung tha” thả cửa cho người không hợp pháp?!

TRẦN ĐĂNG KHOA (611 đường 3-2, phường 8, quận 10, TP.HCM)

A không vi phạm…

Quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 20 nhằm mục đích duy trì hôn nhân, gắn kết tình cảm giữa vợ chồng. Nếu hai người đã có con riêng, nay kết hôn với nhau mà không có con chung thì mục đích hôn nhân có được trọn vẹn không? Đứa con là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng nên quy định hai người đã có con riêng kết hôn với nhau được một lần có con chung là hợp tình, hợp lý.

NGUYỄN QUỐC SỬ (Phòng Tư pháp TP Tam Kỳ, 70 Hùng Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam)

Đẻ lần nữa cũng không sao!

Nghị định 20/2010 đã thể hiện tính hợp tình, hợp lý khi cho phép vợ chồng đã có con riêng khi kết hôn lần hai (không phải là tái hôn) được sinh tiếp một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh. Đây là nhà nước quan tâm đến hạnh phúc gia đình qua việc những cặp vợ chồng này cần có con chung với nhau, từ đó tình cảm càng gắn bó hơn.

Thử hỏi, chung sống với nhau nhiều năm mà không được sinh con chung thì cuộc hôn nhân lần hai này có bền vững hay không?

Việc lợi dụng quy định do có con một bề, nay ly dị để kết hôn với người khác và được đẻ thêm con cũng không có gì đáng lo vì cũng chỉ được sinh thêm có lần nữa mà thôi.

ĐOÀN XUÂN HÒA (73/8 Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM)

Đáp án thấu tình, hợp lý!

Đề nêu anh A kết hôn với chị B, mỗi người đã có hai con riêng thì ta phải hiểu là họ kết hôn mới. Pháp lệnh Dân số quy định mỗi cặp vợ chồng được có một hoặc hai con. Anh A và chị B là một cặp vợ chồng chưa có con chung, họ rất cần một đứa con chung để gắn kết bền vững cuộc sống giữa hai người. Do đó, pháp luật quy định cho họ được sinh thêm một lần là hợp lý. Bởi trong cái lý còn phải có cái tình. Tôi giả sử một người chưa hề kết hôn cũng chưa hề có con, nay kết hôn với một người đã có hai con mà họ không được sinh con, như vậy quá thiệt thòi cho người đó. Và có thể vô tình pháp luật đã làm tan vỡ hạnh phúc của họ chỉ vì sống với nhau họ không được sinh con. Đáp án của BTC thấu tình và hợp lý!

TRẦN VĂN ÁNH (Văn phòng Huyện ủy Chơn Thành, Bình Phước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm