Netanyahu tuyên chiến

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là nhà lãnh đạo quốc gia cuối cùng phát biểu tại khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 1-10. Ông long trọng tuyên bố Israel sẵn sàng đơn phương ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Một lời tuyên bố hàm nghĩa với tuyên chiến. Năm ngoái, cũng tại diễn đàn này, ông đã chìa ra một tấm bảng vẽ quả bom hạt nhân và lấy bút vạch một đường màu đỏ trên hình vẽ để chứng minh phải ngăn chặn Iran.

Tình bạn cũ Israel-Iran

Tình trạng đối đầu hiện tại giữa quốc gia Hồi giáo Iran và quốc gia Do Thái Israel có thể dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp. Iran xem Israel là đối trọng trong khu vực có thể làm xói mòn tư tưởng cách mạng Hồi giáo trong khi Israel xem Iran là một thách thức an ninh thực sự. Dù vậy, lịch sử cho thấy hai quốc gia này đã từng là bạn cũ.

Theo tài liệu của tổ chức nghiên cứu phi chính phủ Mỹ RAND Corporation (chuyên nghiên cứu về chiến lược), trước đây Israel và Iran hầu như không có mối bất hòa nào. Trong quá khứ hai nước không hề có tranh chấp lãnh thổ hay cạnh tranh về kinh tế và cũng chưa hề có mâu thuẫn quân sự trực tiếp.

Mỗi nước có khu vực quyền lợi riêng (phương Đông thuộc Israel và vịnh Ba Tư thuộc Iran). Quan hệ Israel-Iran dựa trên trạng thái chia sẻ quyền lợi địa-chính trị. Hai nước đã trải qua nhiều năm hợp tác đối phó với các mối đe dọa chung trong khu vực, kể cả sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại Iran.

Netanyahu tuyên chiến ảnh 1

Ngày 1-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Netanyahu tuyên chiến với Iran trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ ở New York. Ảnh: GETTY IMAGES

Quốc vương Mohammad Reza Shah Pahlavi (quốc vương cuối cùng của Iran) từng xem liên minh với Israel là một đối trọng nhằm đối phó đối với các quốc gia láng giềng Ả Rập.

Đầu năm 1959, Iran và Israel đã phát triển một quan hệ tình báo và quân sự thân thiết. Lúc bấy giờ, quốc vương Iran tin rằng tầm ảnh hưởng của Israel tại Washington có thể giúp ông chiếm được lòng tin của chính quyền Kennedy và điều này có lợi cho quyền bính của ông.

Trong những năm 1960, quốc vương Iran còn cho phép Israel lập đại sứ quán tại Iran. Cuối những năm 1970, Iran bắt đầu mua vũ khí của Mỹ, kể cả máy bay F-14. Năm 1967, sau khi chứng kiến Israel đánh bại quân đội Ai Cập, Syria và Jordan, quốc vương Iran vẫn tiếp tục củng cố quan hệ với Israel.

Cùng chống kẻ thù chung Iraq

Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, các nhà lãnh đạo Iran vẫn theo đuổi chính sách thực dụng đối với Israel, đặc biệt dưới thời Tổng thống Hashemi Rafsanjani (1989-1997) và Tổng thống Mohammad Khatami (1997-2005). Hai tổng thống mong muốn cải cách hệ thống chính trị và kinh tế thông qua giảm bớt sự cô lập của quốc tế và giảm bớt căng thẳng với Israel. Tuy nhiên, nhiều thế lực trong nội bộ Iran đã ngăn chặn nỗ lực kể trên.

Đối với Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein, hai nước Iran và Israel đều xem đó là trở ngại lớn nhất đối với lợi ích an ninh quốc gia. Cuộc chiến chống Saddam Hussein của Iran từ năm 1980-1988 là chất xúc tác thúc đẩy quá trình hợp tác Iran-Israel bền vững hơn. Sự hợp tác ở mức độ thấp này đã giúp Iran tránh bị quốc tế cô lập hoàn toàn trong khi vẫn có lợi từ vũ khí của Israel (có nguồn gốc từ Mỹ).

Đầu năm 1980, Thủ tướng Israel Menachem Begin đã từng giúp đỡ Iran khi phê duyệt lô hàng lốp máy bay chiến đấu Phantom và một số loại vũ khí cho Iran cho dù Israel biết rõ hành động này đã đi ngược với chính sách của Mỹ. Đổi lại, Iran đã cho phép một số lượng lớn dân Do Thái rời Iran sang Mỹ và trở về đất mẹ Israel.

Trở thành kẻ thù truyền kiếp

Cuối những năm 1990, Israel vẫn chưa xem Iran là thách thức an ninh lớn. Đến đầu thập niên sau đó, tình trạng đối đầu giữa Israel và Iran mới lộ rõ hơn. Quan hệ Iran-Israel trở nên xấu đi.

Theo tổ chức RAND Corporation, có nhiều nguyên nhân lý giải:

- Tình hình địa-chính trị ở Trung Đông thay đổi. Mỹ tấn công Iraq năm 2003 đã giúp loại bỏ kẻ thù chung của Israel và Iran. Dù vậy, như giới chính trị và quân sự Israel nhận định thì khi Iraq bị loại, Iran tự thấy sức mạnh của Iran gia tăng tại Trung Đông. Hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan dẫn đến sự thất bại của Taliban và Saddam Hussen (kẻ thù của Iran) đã khiến cho Iran nhận ra tầm ảnh hưởng Hồi giáo của mình.

- Trào lưu Hồi giáo chính thống ngày càng bành trướng ở Iran và số lượng vệ binh Hồi giáo gia tăng dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad (năm 2005) đã làm Israel ngày càng lo ngại Iran.

- Israel nhận ra trong hơn một thập niên qua, hầu như mọi thách thức trong khu vực đều có nguồn gốc từ Iran khi Iran tăng cường quan hệ với tổ chức Hezbollah và phong trào Hamas. Cuộc chiến năm 2006 giữa Hezbollah (Iran hậu thuẫn) và Israel càng thúc đẩy bóng ma Iran trở thành cường quốc khu vực. Sau đó, cái gọi là “cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập” năm 2011 càng khiến Israel dè chừng Iran hơn.

- Bức tranh khu vực mới hình thành khiến Israel lo ngại Iran có thể tiếp tục xâm lấn gần Lebanon và dải Gaza thông qua biện pháp hỗ trợ quân sự cho Hezbollah và Hamas, đặc biệt trong bối cảnh thế lực Mỹ đang suy giảm trong khu vực. Israel lo ngại nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, tính ưu việt về quân sự và cả hệ tư tưởng của Israel và Mỹ trong khu vực sẽ bị hạn chế.

Về phía Iran, nước này ngày càng xem Israel là đối thủ quân sự và địa-chính trị lớn bởi Israel quan hệ thân thiết với Mỹ. Chính tư thế đối đầu với Mỹ đã khiến Iran hình thành thế quân sự và an ninh quốc gia chống lại Israel.

Ngày 1-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố bác bỏ thông tin về một điệp viên Iran bị bắt ở Israel. Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Israel tiếp tục tiến hành âm mưu kích động dư luận chống lại Iran. Hôm 29-9, cơ quan phản gián Israel (Shin Beth) thông báo bắt giữ điệp viên Ali Mansouri hôm 11-9 tại sân bay Tel Aviv (Israel). Ali Mansouri có hộ chiếu Bỉ mang tên Alex Mans. Cơ quan phản gián cho biết Ali Mansouri khai nhận được vệ binh cách mạng Iran phái đến Israel hành sự. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho biết Ali Mansouri mang quốc tịch Bỉ sau khi kết hôn với một công dân Bỉ vào năm 2002, sau đó đã ly hôn năm 2007.

Netanyahu tuyên chiến ảnh 2

Ali Mansouri trong phiên tòa ngày 1-10 ở Israel. Ảnh: REUTERS

Ngày 30-9, theo yêu cầu của cảnh sát và cơ quan phản gián, tòa án ở Israel đã phán quyết tạm giữ Ali Mansouri tám ngày để hoàn tất điều tra. Phiên tòa cho biết Ali Mansouri không chấp nhận dùng máy dò nói dối nhưng đồng ý cho số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản vi tính, mẫu ADN và các đầu mối tình báo Iran. Cảnh sát cho biết vụ án điệp viên Ali Mansouri được công bố theo quyết định của cấp cao. Báo chí Israel dẫn nguồn tin từ cơ quan an ninh ghi nhận vụ án này được công bố “vì lợi ích quốc gia” bởi thông thường những vụ như thế chỉ được công bố sau khi kết thúc điều tra.

Cơ quan phản gián Israel công bố vụ bắt giữ Ali Mansouri ngay trước ngày Thủ tướng Benjamin Netanyahu lên đường sang New York. Như vậy, Israel có thể bảo Mỹ rằng Iran rõ ràng có âm mưu chống phá Mỹ. Ali Mansouri thuê khách sạn đối diện đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv. Trong người Ali Mansouri có ảnh chụp đại sứ quán Mỹ. Cơ quan phản gián Israel cho rằng Ali Mansouri không đơn thân độc mã tiến hành khủng bố mà giữ nhiệm vụ chuẩn bị địa bàn để các phần tử khủng bố từ nước ngoài xâm nhập và tổ chức tấn công.

DUY KHANG - H.DUY

Kỳ tới: Tại sao Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại gọi tổng thống Iran là “sói đội lốt cừu”?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm