Vụ án kinh điển: Giết mẹ đoạt con

Bản thân Mã Hành Không tuy có ngoại hiệu là Bách thắng thần quyền nhưng thật sự quyền pháp của ông ta cũng chỉ đạt hạng ba, hạng tư trên giang hồ.

Hoa đồng nội trên đường bảo tiêu

Dưới tay Mã Hành Không có hai con người mà ông ta rất tin tưởng. Đó là Mã Xuân Hoa - con gái, được miêu tả là “một cô gái khoảng 18, 19 tuổi, gương mặt bầu bĩnh, cặp mắt đen lay láy, hai má ửng hồng. Toàn thân cô toát lên một vẻ thanh xuân phơi phới”.

Người thứ hai là Từ Tranh, học trò của Mã Hành Không. Từ Tranh được mô tả là một thanh niên “mắt to mày rậm, dáng điệu thô hào, mặt đầy vết sẹo”. Vốn ít kinh nghiệm qua lại giang hồ nên Từ Tranh cứ nghĩ thầy mình là con người vô địch và cô sư muội của mình là cô gái đẹp nhất thế gian.

Vụ án kinh điển: Giết mẹ đoạt con ảnh 1

Nhiếp Viễn trong vai Hồ Phỉ

Tuy chưa nói ra thành lời nhưng Từ Tranh đã xem sư phụ Mã Hành Không như cha vợ. Người thanh niên nóng tính, tội nghiệp ấy yêu Mã Xuân Hoa tha thiết. Đối với anh ta, món tiêu ngân giá trị nhất trên đời mà anh ta cần phải xả thân bảo vệ là Mã Xuân Hoa. Mã Hành Không lên tiếng đính ước cho hai người, đợi sau này về nhà sẽ làm lễ hứa hôn.

Đoàn bảo tiêu đi qua đất Thương Châu thì gặp trời mưa, bèn xin vào trú mưa trong một trang viên khá lớn của dòng họ Thương gọi là Thương gia bảo. Người chủ của Thương gia bảo là Thương Kiếm Minh, một hào sĩ giang hồ hắc đạo, đã chết dưới tay của Phi thiên hồ ly Hồ Nhất Đao. Vợ y và con trai y là Thương Bảo Chấn nung nấu ý chí trả thù. Vợ y làm hai hình nhân, trên hai hình nhân viết hai tên “Hồ Nhất Đao” và “Miêu Nhân Phượng”. Bà dạy con trai cách ném phi tiêu đánh vào các trọng huyệt của hai hình nhân đó.

Gặp Mã Xuân Hoa, Thương Bảo Chấn say mê ngay. Từ Tranh nổi lòng ghen tức, đánh với Thương Bảo Chấn nhưng võ công chàng ta kém cỏi nên đánh không lại. Lúc bấy giờ trong trang viên lại xuất hiện thêm một cậu bé ốm nhách khoảng 13 tuổi. Thấy một trong hai hình nhân viết tên cha mình, cậu bé lên tiếng chửi bới mẹ con Thương Bảo Chấn. Theo cậu, đánh không lại người ta để bị người ta giết rồi lại làm hình nhân ghi tên người ta lên để ném phi tiêu trả thù là hành vi hèn hạ. Cậu bé đó chính là Hồ Phỉ, con trai của Hồ Nhất Đao.

Thương Bảo Chấn gặp con trai của kẻ thù thì mừng như bắt được của. Hắn thực hiện quỷ kế, bắt Hồ Phỉ trói lại, treo lên cây và đánh Hồ Phỉ một trận thừa sống thiếu chết. Sợ cậu bé chết thật, Mã Xuân Hoa tìm gặp Thương Bảo Chấn, năn nỉ xin hắn tha cho cậu bé.

Thế nhưng Hồ Phỉ đã tự giải thoát được và dùng đúng quyền pháp chính tông của Hồ gia, đánh cho Thương Bảo Chấn tối mày tối mặt. Hồ Phỉ cũng treo Thương Bảo Chấn lên cây y như kiểu hắn đã treo cậu và đánh hắn như kiểu hắn đã đánh cậu. Lòng cậu bé hàm ân sự can thiệp của Mã Xuân Hoa. Cậu tự hứa sau này sẽ tìm mọi cách giúp đỡ Mã Xuân Hoa.

Tiếng tiêu đoạt phách

Bấy giờ, có một đoàn người cũng vào Thương gia bảo. Cầm đầu đoàn người này là một “thanh niên công tử mặt đẹp như ngọc, tướng mạo tuấn tú, trạc 30 tuổi”. Thanh niên công tử ăn mặc rất hoa lệ, trên mũ gắn hai hạt minh châu lớn. Mã Xuân Hoa là con gái nhà bảo tiêu, hiểu biết rất rõ về giá trị của các loại minh châu. Thấy hai viên minh châu của gã công tử, cô biết chúng có giá trị liên thành. Món tiêu ngân ba chục vạn lạng của Phi Mã tiêu cục nhà cô chỉ là một sợi lông, không bõ làm trò cười.

Vụ án kinh điển: Giết mẹ đoạt con ảnh 2

Cảnh phim Tân phi hồ ngoại truyện

Chiều ấy, thấy Mã Xuân Hoa về trễ, Từ Tranh ghen tức, nghĩ cô hẹn hò với Thương Bảo Chấn. Trong một lúc không ngăn tức giận, anh ta đẩy tay Mã Xuân Hoa ra. Mã Xuân Hoa tủi thân vì cô cho rằng Từ Tranh chưa chính thức là chồng mà đã có hành vi hung tàn ngang ngược với cô. Phụ nữ thì hay so sánh. Cô so sánh Từ Tranh với chàng công tử đẹp trai mới gặp. Hành động thô bạo của Từ Tranh lại khiến lòng Mã Xuân Hoa hướng về gã thanh niên công tử đẹp trai nọ.

Trong khi mọi người đang đánh nhau ở đại sảnh, Mã Xuân Hoa chợt nghe tiếng tiêu. “Tiếng tiêu uyển chuyển du dương, lại rất tình tứ” khiến cho lòng cô cảm thấy ngây ngất trong buổi chiều xuân. Cô đi về hướng người thổi tiêu trong trạng thái bị mê hoặc rất vô thức. Gã công tử ngưng thổi tiêu, dang tay ôm lấy tấm lưng thon của Mã Xuân Hoa. Cô không phản đối. Lúc đó thì cô quên mất anh chàng sư huynh thật thà, chất phác mà cha cô đã lên tiếng đính ước cho cô.

Hôm sau, Mã Xuân Hoa lại chủ động đi tìm gã công tử đẹp trai. Tiếng tiêu của hắn đã thu hồn, đoạt phách của cô khiến cô say đắm không còn làm chủ được mình. Cha cô là Mã Hành Không bị giết trong Thương gia bảo, cô không biết. Cô chỉ biết có chàng công tử đang quấn quýt, má tựa vai kề với cô. Từ Tranh đi tìm sư muội, thấy cả hai đang “mải miết trong cuộc hoan lạc”. Anh ta nổi ghen, rượt chém gã công tử. Lần đầu tiên trong đời, Mã Xuân Hoa chống cự lại sư huynh nhằm giải thoát cho gã công tử chạy trốn. Từ đó, Mã Xuân Hoa lạc mất gã công tử.

Giết mẹ đoạt con

Gã công tử đó là Phúc Khang An, thượng thư bộ Binh của Thanh triều dưới đời vua Càn Long. Ngoài 30 tuổi, hắn vẫn chưa lấy vợ. Hắn chỉ coi Mã Xuân Hoa như một thứ hoa lạc, ăn ở với cô như một cách giải trí chứ chẳng có tình ý gì với cô. Hắn đã tằng tịu với nhiều cô thiếu nữ khác. Hắn quên mất Mã Xuân Hoa sau lần ăn ở tại Thương gia bảo.

Mã Xuân Hoa có thai. Cô vẫn làm đám cưới với Từ Tranh theo lời đính ước của cha ngày trước, vẫn cùng chồng rong ruổi trên đường bảo tiêu nhưng lòng thì chẳng thương yêu chồng. Từ Tranh biết thân biết phận, thấy Mã Xuân Hoa sinh hai đứa con trai đẹp như ngọc, biết rằng không phải là con mình nhưng vẫn thương yêu, đùm bọc chúng. Thương Bảo Chấn trở thành con người dưới trướng Phúc Khang An. Trong một lần đánh nhau, Thương Bảo Chấn giết Từ Tranh.

Nghe tin Mã Xuân Hoa sinh ra hai con trai, tính ngày tháng, Phúc Khang An biết đó đúng là con mình. Hắn ra lệnh cho bọn hào sĩ giang hồ dưới tay “mời” Mã Xuân Hoa và hai con trẻ vào vương phủ trong thành Bắc Kinh. Xác Từ Tranh mới được chôn hôm trước thì hôm sau, Mã Xuân Hoa đã về trong vương phủ Phúc Khang An, chính thức trở thành một “bà lớn”.

Nghe tin Phúc Khang An có được hai đứa con trai sinh đôi, mẹ của Phúc Khang An là Thái phu nhân mừng lắm. Thanh sử cho biết Thái phu nhân tên thực là Phó Hằng, được phong danh hiệu Mãn Châu đệ nhất mỹ nhân. Chị ruột của bà là vợ vua Càn Long. Phó Hằng là một đại mỹ nhân nguy hiểm, đã từng đầu độc nhiều cung phi để bảo vệ ngôi vị cho chị mình. Bà bảo bọn cung nữ dẫn hai cháu đến cho bà gặp mặt.

Nghĩ rằng cháu đến gặp chào bà nội là chuyện bình thường, Mã Xuân Hoa giao con cho cung nữ. Phó Hằng gặp hai cháu nội, lòng rất hạnh phúc. Bà suy nghĩ Phúc Khang An đã ngoài ba mươi tuổi, chưa chịu lấy vợ mà đã có được hai tiểu công tử quá đẹp.

Điều bí mật này cần phải được giữ kín. Cách giữ kín hay nhất là phải giết người diệt khẩu. Sau khi vỗ về an ủi các cháu, bà ra lệnh cho cung nữ đem một bình sâm thang qua tặng Mã Xuân Hoa “bồi bổ sức khỏe” và nhắn tin là đêm ấy, hai cháu sẽ ngủ lại trong cung với bà nội.

Phúc Khang An vẫn còn một chút lương tâm làm người. Hắn nghe mẹ ban sâm thang cho Mã Xuân Hoa, biết rằng mẹ hắn quyết giết Mã Xuân Hoa. Hắn hỏi mẹ có thể dung tha cho Mã cô nương được không. Phó Hằng dạy hắn: “Người Hán tộc ắt sinh lòng phản trắc. Mã Xuân Hoa là con gái của tiêu cục thì không thể ở trong hoàng cung được”.

Đêm ấy, Hồ Phỉ đột nhập phủ Phúc Khang An. Anh kinh hoàng khi thấy “Mã Xuân Hoa nằm lăn dưới đất, ôm bụng rên la, đầu tóc rối bù”. Biết Mã Xuân Hoa đã bị đầu độc, anh nhớ lại cái ơn cô đã lên tiếng can thiệp xin Thương Bảo Chấn đừng đánh mình ngày xưa nên quyết cứu Mã Xuân Hoa. Anh bồng Mã Xuân Hoa chạy ra khỏi hoàng cung, nhờ cô bạn gái mình là thầy thuốc Trình Linh Tố chữa trị.

Trình Linh Tố nhìn sắc mặt Mã Xuân Hoa, biết Mã Xuân Hoa bị đầu độc bằng Hạc đính hồng và Phiên mộc thiết. Phó Hằng đã cho pha hai thứ này vào sâm thang để bảo đảm Mã Xuân Hoa phải chết. Trong cơn đau đớn, Mã Xuân Hoa vẫn nghĩ đến con, mong được gặp con lần cuối. Mã Xuân Hoa cứ nhắm mắt gọi con.

Vừa lúc đó thì bọn Hồng Hoa hội đến. Trong các nhân vật của Hồng Hoa hội, có hai cặp sinh đôi là Thường Bá Chí - Thường Hách Chí và Nghê Bất Đại - Nghê Bất Tiểu. Sinh đôi vẫn thường thích những người sinh đôi. Nghe Mã Xuân Hoa có hai đứa con sinh đôi bị bắt giữ, anh em họ Thường và họ Nghê nổi lòng hiệp nghĩa, tình nguyện đột nhập hoàng cung đưa hai đứa bé về cho Mã Xuân Hoa gặp con lần cuối.

Gặp được con, Mã Xuân Hoa rất hạnh phúc. Sau khi hôn con, Mã Xuân Hoa bảo hai con lạy Hồ Phỉ làm dưỡng phụ (cha nuôi). Mã Xuân Hoa còn xin Hồ Phỉ giúp đem hài cốt cô chôn chung với chỗ Từ Tranh nằm. Cô cảm thấy có tội với người chồng hiền lành chất phác của mình và lời trăn trối ấy được hiểu như một thái độ hối lỗi, mong được Từ Tranh tha thứ.

Sau cùng, Mã Xuân Hoa lên tiếng gọi... Phúc công tử. Cô mong được gặp mặt Phúc Khang An trước khi chết. Bi kịch ấy khiến quần hùng Hồng Hoa hội rơi nước mắt, không biết có biện pháp nào hay để... bắt cóc Phúc Khang An về cho Mã Xuân Hoa gặp mặt.

Thời may, trong bọn Hồng Hoa hội có người thủ lĩnh là Trần Gia Lạc (tương truyền là em ruột vua Càn Long) tướng mạo giống y Phúc Khang An, tuổi cũng cỡ Phúc Khang An. Hồ Phỉ nghĩ ra một ý tưởng hoang đường: Nhờ Trần Gia Lạc đóng giả Phúc Khang An, vào thăm Mã Xuân Hoa cho cô được toại nguyện. Quả nhiên trong cơn mê sảng, Mã Xuân Hoa nhìn Trần Gia Lạc cứ nghĩ là Phúc Khang An về thăm mình thật. Cô chết đi trong sự mãn nguyện.

Tùy viên thi thoại, một tác phẩm ghi lại các giai thoại được viết trong đời Gia Khánh triều Thanh, có ghi rằng: “Phúc Khang An là con người cùng dâm cực ác”. Tác phẩm Phi hồ ngoại truyện của Kim Dung hư cấu mối tình Mã Xuân Hoa - Phúc Khang An trên nền tảng ấy. Phúc Khang An và Thái phu nhân Phó Hằng là hai nhân vật có thật. Mã Xuân Hoa chỉ là nhân vật tiểu thuyết được hư cấu.

SAO BIỂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 6-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm