Ghi nhận của PLO, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), tình trạng buôn bán, lấn chiếm - nơi sầm uất bậc nhất TP hàng rong phủ kín đường.
Dù là trên vỉa hè hay dưới lòng đường thì những người bán hàng vẫn vô tư bày bàn ghế, hàng hóa tràn lan để buôn bán. Có trường hợp cá biệt người bán còn bày hàng ra giữa đường, cản trở người đi bộ qua lại.
Không chỉ người bán hàng, nhiều người "hành nghề" như giả tượng, người thổi lửa... cũng lấn chiếm phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Ngoài ra còn có nhiều người dân tấp xe vào hai bên đường phố đi bộ Nguyễn Huệ để vui chơi, phương tiện xếp la liệt dọc tuyến đường khiến đoạn đường bị ùn ứ.
Thêm vào đó, xe ô tô cũng đậu dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ dù cách đó không xa là biển cấm đỗ xe. Phố đi bộ cũng có biển nội quy công viên nêu rõ cấm bán hàng rong nhưng người dân vẫn vô tư buôn bán.
“Tôi thường xuyên ra phố đi bộ chơi vào dịp cuối tuần và thấy nhiều người bán hàng rong mặc nhiên xem phố đi bộ là nơi buôn bán” - chị Thảo, người đi dạo ở phố đi bộ cho biết.
Cách đó không xa, bến Bạch Đằng cũng bắt đầu xuất hiện các “hàng quán” di động. Anh Cường, TP Thủ Đức cho biết: “Nhiều ngày nay có bảo vệ kiểm tra, canh gác nên tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường được giảm thiểu nhiều. Tuy vậy, nếu không có lực lượng kiểm tra thì đâu lại vào đấy.”
Theo ghi nhận của PLO, dù là phố đi bộ nhưng lối để đi bộ rất hạn chế. Nơi đây tập trung chủ yếu người bán, người mua các loại đồ uống, thức ăn, quà lưu niệm.
"Có lần tôi thấy người bán hàng rong đuổi cả khách tham quan. Người bán hàng chiếm dụng không gian chung thành không gian riêng thì thật khó chấp nhận" - chị Thảo chia sẻ thêm.
Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lối đi ở những nơi trung tâm như phố đi bộ Nguyễn Huệ không phải mới xảy ra. Vấn đề này đã được PLO phản ánh nhiều lần. Thế nhưng sau những lần thành phố ra quân xử lý thì cảnh tượng nhếch nhác trên lại tái diễn. Phố đi bộ Nguyễn Huệ nói riêng và nhiều khu vực lân cận khác đang bị những quầy hàng rong chiếm dụng không gian.