Ngay sau khi HĐND TP.HCM thông qua Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM (gọi tắt thu phí vỉa hè), các địa phương bắt đầu rà soát các tuyến đường đảm bảo các điều kiện, lên danh mục và tổ chức thu phí.
Xây dựng TP văn minh, hiện đại
Sở GTVT TP.HCM cho biết HĐND TP vừa thông qua đề án thu phí vỉa hè. Sở đã lên kế hoạch triển khai bài bản, đảm bảo công khai, minh bạch và người dân có thể giám sát.
Sở GTVT TP cho biết nguồn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố được nộp toàn bộ vào ngân sách TP. Chi phí này nhằm mục đích duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.
Theo Sở GTVT, việc thu phí này sẽ góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng TP văn minh, hiện đại. Hơn hết, việc thu phí cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đô thị. Đồng thời đây cũng là cơ sở để khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, phù hợp với đặc thù đô thị TP. Đặc biệt điều này cũng đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Tuy nhiên, sở này cho rằng việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải đảm bảo nguyên tắc lòng đường, hè phố phải được ưu tiên cho mục đích giao thông. Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các trường hợp nêu trên phải bảo đảm các nguyên tắc không gây mất trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ phải tối thiểu từ 1,5 m, phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu hai làn ô tô cho một chiều lưu thông.
Sẵn sàng áp dụng từ đầu năm 2024
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết HĐND TP.HCM thông qua đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. TP đã sẵn sàng áp dụng thu phí từ ngày 1-1-2024.
Theo đó, Sở GTVT sẽ phối hợp với các địa phương để hướng dẫn, thông tin về Quyết định 32 của UBND TP. Quyết định 32 quy định rõ những trường hợp được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và những trường hợp được sử dụng tạm thời lòng đường.
Đồng thời, Sở GTVT TP cùng các địa phương tích cực triển khai công tác rà soát các tuyến đường có thể triển khai, áp dụng thu phí trong thời gian tới.
Ông Đường cho biết trước mắt, Sở GTVT và UBND các địa phương sẽ tiến hành rà soát, ban hành danh mục những tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể.
Đối với các hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ, các địa phương có trách nhiệm rà soát theo địa bàn mình quản lý... Từ đó, xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.
Sử dụng phần mềm để giám sát
Theo ông Ngô Hải Đường, Sở GTVT sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép về việc sử dụng tạm thời lòng lề đường trên toàn TP để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng.
Từ phần mềm này người dân hoặc cơ quan có chức năng có thể vào để kiểm tra thông tin các vị trí lòng đường, hè phố được phép sử dụng, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lý (cấp phép, thu phí) các nội dung liên quan.
Thông qua công cụ này, người dân có thể tiếp cận, giám sát một cách minh bạch về quản lý trật tự đô thị. Việc thu phí phải đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng biên chế, nhân sự thực hiện công tác này.
“TP sẽ triển khai xem xét chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng với phương thức thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt” - ông Đường nhấn mạnh.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý, UBND TP giao Sở GTVT và các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp. Đồng thời, xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm đảm bảo việc thực thi có hiệu lực, hiệu quả.
Ông Dư Phước Tân, chuyên gia quy hoạch đô thị Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết từ năm 2017, đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1 cũng đã triển khai phố hàng rong với nhiều cửa hàng phục vụ người dân TP. Phố hàng rong nói trên bước đầu đã mang lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.
“Theo đó, việc áp dụng thu phí vỉa hè sẽ giúp quản lý có hiệu quả vỉa hè hơn. Bên cạnh đó, TP cần triển khai các công cụ để xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường nhằm phát huy hiệu quả cho việc thu phí này” - ông Tân nhận định.•
Năm khu vực thu phí
Sở GTVT cho biết mức thu phí vỉa hè, lòng đường được xây dựng dựa trên giá đất bình quân ở từng khu vực đó. Theo đó, có năm khu vực áp dụng thu phí.
Cụ thể, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam TP, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu vực 2 gồm TP Thủ Đức (khu vực quận 2 cũ) và các quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.
Khu vực 3 gồm TP Thủ Đức (khu vực quận 9 cũ và khu vực quận Thủ Đức cũ) và các quận 8, 12, Tân Phú, Gò Vấp.
Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi.
Khu vực 5 là huyện Cần Giờ.