Đó là cảnh báo của ông ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tại sự kiện “Trí tuệ nhân tạo - Cơ hội, thách thức việc làm cho lao động nữ và nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp tư nhân” được tổ chức ngày 28-6.
Theo số liệu mà ông Vinh dẫn ra, đã có nhiều nghiên cứu về tác động của AI tới tương lai việc làm. Chẳng hạn, báo cáo mới đây của Viện toàn cầu McKinsey về trí tuệ nhân tạo và tương lai việc làm ở Mỹ cho rằng, phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn 50% so với nam giới trong cuộc đua AI.
Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động. Họ có mặt ở hầu hết các ngành nghề, nhưng tập trung nhiều trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, bán lẻ, sản xuất... Theo một báo cáo của Goldman Sachs, 70% công việc mà AI có thể gây tác động là do phụ nữ đảm nhiệm - điều này có nghĩa phụ nữ Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới.
Dù cảnh báo về khả năng phụ nữ đương đầu với rủi ro mất việc lớn nhưng bà Hà Thu Thanh, Phó chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ Phát triển Quyền năng Phụ nữ (VBCWE) cho rằng việc áp dụng AI sẽ vẫn mang đến cơ hội cho những người phụ nữ biết nắm bắt cơ hội để vượt lên làm chủ công nghệ.
Trước tiên, nói về rủi ro phụ nữ mất việc, Phó chủ tịch VBCWE dẫn ra ví dụ chính bản thân bà từng có thời gian dài phải thuê đến 6 thư ký để đảm nhiệm các công việc giấy tờ, hành chính cho bà ở cả hai miền của đất nước. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của AI trong công tác quản lý nhân sự, dữ liệu, giờ đây chỉ cần một thư ký có thể đảm nhiệm công việc mà trước đây 6 thư ký từng làm. Trong trường hợp này, có đến 5 thư ký đã mất việc, bản thân họ mất việc còn trong vai trò người chủ, bà Thanh tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Trong trường hợp này, bà Thanh phân tích, câu chuyện tương tự có thể diễn ra ở bất kỳ doanh nghiệp nào khi AI được ứng dụng sâu rộng hơn, vì vậy những người lao động nữ trình độ giản đơn hoặc trung bình sẽ có thể mất việc rất nhiều. Với trường hợp các thư ký của mình, bà Thanh cho rằng để có thể thích nghi với điều kiện mới, các thư ký của bà có thể học thêm về nghề tài chính, nghề kiểm toán, kết hợp với các kỹ năng cũ với kỹ năng kiến thức trong nghề mới, họ sẽ không còn phải lo mất việc.
Bà Thanh cho rằng nếu phụ nữ trang bị kiến thức tốt để sử dụng AI, họ sẽ được cạnh tranh sòng phẳng hơn với nam giới trên thị trường lao động, hay nói cách khác, AI giúp xóa đi rất nhiều tình trạng bất bình đẳng giới trên thị trường việc làm hiện nay.
Chia sẻ câu chuyện sử dụng AI sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA, chia sẻ về việc bản thân MISA cũng đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi dùng AI để xử lý các dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhân sự, kế toán, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Một nhân viên kế toán ngày xưa chỉ đảm nhiệm công việc hồ sơ cho khoảng từ 10 đến 20 khách hàng đã là quá nhiều, vì họ phải làm quá nhiều công việc thủ công, nhưng với sự hỗ trợ của AI, một nhân viên có thể làm hồ sơ cho cả 100 khách hàng, hiệu suất công việc tăng gấp 10 lần.
Tuy nhiên, ứng dụng của AI tại công ty dịch vụ phần mềm kế toán này không chỉ dừng lại ở mảng chăm sóc khách hàng hay kế toán. Với mạng lưới hàng chục nghìn khách doanh nghiệp với các thông tin kế toán đã được rà soát rất chặt chẽ, MISA đứng ra kết nối cho các khách hàng doanh nghiệp này vay vốn tín chấp từ ngân hàng. Nhờ vậy có lợi cho tất cả các bên, phía khách hàng tìm kiếm được nguồn vốn tín dụng chi phí hợp lý còn ngân hàng có thêm khách hàng mới mà giảm được rất nhiều công đoạn trong khâu thẩm định hồ sơ.
Khách hàng sử dụng phần mềm MISA có thể tự tìm kiếm ngân hàng có chương trình tín dụng phù hợp, khách hàng đăng ký đồng ý cung cấp các chỉ số tài chính cho ngân hàng, ngân hàng xem và quyết định xem có cho vay hay không, ngân hàng sẽ duyệt vay nhanh chóng hơn, trong năm ngoái, ước tính khoảng 5.000 tỷ đã được giải ngân cho khoảng 1.000 khách hàng của MISA con số này có thể tăng gấp đôi trong năm nay.