Bên cạnh các thông tin chiến sự cập nhật từ hai cuộc xung đột nóng của thế giới hiện tại là Nga - Ukraine và Israel - Hamas, một mảng diễn biến thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới là tiến trình đàm phán nhân đạo và sự nổi lên của nhân tố Qatar. Có thể nói Qatar thời gian qua đã cùng lúc làm tốt vai trò trung gian đàm phán nhân đạo ở cả hai cuộc xung đột này.
Sự năng nổ và hiệu quả của Qatar
Ngày 5-12, Qatar được chú ý với thông tin các nhà hòa giải của nước này đã thành công trong vai trò trung gian đàm phán nhân đạo để Nga trao trả sáu trẻ em Ukraine. Trước đó, hôm 16-10, Qatar cũng đã làm trung gian thành công để Nga trao trả bốn trẻ em cho Ukraine.
Theo đài Al Jazeera, những kết quả này đến từ quá trình Qatar bí mật đàm phán với Nga và Ukraine trong nhiều tháng qua. Một nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng Qatar đồng ý yêu cầu từ Ukraine làm trung gian đàm phán với Nga về việc trao trả trẻ em khi Thủ tướng Qatar - ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani thăm Ukraine vào tháng 7 năm nay.
Bên cạnh đó, vai trò của Qatar được nhắc nhiều trong thỏa thuận ngừng bắn vừa qua giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine).
Theo nguồn tin của Reuters, để Israel và Hamas thống nhất thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hồi cuối tháng 11, chính phủ Qatar đã đầu tư rất nhiều công sức và nỗ lực. Thay vì chỉ đơn giản chuyển thông điệp từ bên này sang bên kia, Qatar đã rất chủ động trong quá trình làm trung gian và dồn nhiều nguồn lực vào các cuộc đàm phán.
Để tập trung chỉ đạo quá trình đàm phán giữa Israel và Hamas, Thủ tướng Qatar - ông Al Thani đã hủy bỏ nhiều chương trình nghị sự, tạm hoãn các chuyến đi đã lên lịch trước đến Nga và Anh. Các quan chức Qatar đã làm việc xuyên ngày đêm, giúp hoàn tất các chi tiết quan trọng cuối cùng của thỏa thuận.
Trong bảy ngày ngừng bắn, đã có hàng trăm người được hai bên trao trả. Cụ thể, Hamas đã thả 105 con tin mà nhóm này bắt từ Israel trong ngày tấn công 7-10 sang giam ở Gaza. Phía Israel cũng thả 240 người Palestine bị giam trong các nhà tù ở nước này.
Những năm gần đây, Qatar là bên đứng ra tổ chức nhiều cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ với phong trào Hồi giáo Taliban, giữa Mỹ và Venezuela, giữa Mỹ và Iran.
(Theo tờ The Wall Street Journal)
Theo đuổi, chắt chiu từng cơ hội
Với xung đột Nga - Ukraine, Qatar thể hiện quyết tâm sẽ theo đuổi vai trò trung gian đàm phán để đạt được kết quả cao hơn.
“Hai bên cho thấy nhiều thiện chí trong suốt quá trình đàm phán. Qatar sẽ tiếp tục tìm kiếm những khía cạnh tiềm năng có thể thúc đẩy xây dựng nền tảng lòng tin giữa Nga và Ukraine, giúp hai nước cởi mở hơn trong việc đàm phán - ngăn xung đột leo thang” - Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Qatar - bà Lolwah Al Khater lên tiếng nhân sự kiện Nga trao trả sáu trẻ em Ukraine.
Israel và Hamas khôi phục giao tranh sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ ngày 1-12. Tuy nhiên, Qatar cho biết nước này vẫn đang quan sát tình hình, cục diện, chắt chiu từng cơ hội để khôi phục đàm phán, giúp các bên đạt được thỏa thuận mới và nếu mang tính lâu dài thì càng tốt.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 44 diễn ra ở Doha (Qatar) tuần rồi, Thủ tướng Qatar - ông Al Thani khẳng định “chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực khôi phục thỏa thuận ngừng bắn, khôi phục thỏa thuận thả con tin và những người Palestine bị giam”. Trước đó, Bộ Ngoại giao Qatar “cam kết sẽ cùng với các đối tác tiếp tục làm việc để đạt được lệnh tạm dừng nhân đạo và sẽ làm mọi hành động cần thiết để các bên trở lại đàm phán”.
“Qatar đã làm trung gian đàm phán nhiều cuộc xung đột, không chỉ riêng trong khu vực. Đây là điều đã tạo nên nền tảng cho chính sách đối ngoại của đất nước chúng tôi. Và đó là yếu tố cốt lõi - yếu tố mà chúng tôi đang theo đuổi. Chúng tôi nghĩ rằng đây là điều chúng tôi có thể đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế” - Thủ tướng Qatar - ông Al Thani trao đổi với đài CBS News hồi tháng 11 về chủ trương của Qatar.
Theo ông Patrick Theros - cựu Đại sứ Mỹ tại Qatar, vai trò hòa giải đã nằm trong “ADN” của Qatar, là đề mục “nằm trong Hiến pháp của Qatar theo đúng nghĩa đen”, được coi là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của nước này. Qatar coi hòa giải là một phương tiện quan trọng để duy trì sự ổn định trong khu vực và giảm thiểu rủi ro an ninh của chính mình.•
Vai trò không thể thay thế của Qatar
Trả lời phỏng vấn đài CBS News, Thủ tướng Qatar - ông Al Thani cho biết để thực hiện tốt vai trò trung gian đàm phán trong xung đột Nga - Ukraine, Qatar đã sử dụng mối quan hệ sẵn có với hai nước.
“Chúng tôi thực hiện vai trò này dựa trên yêu cầu ban đầu từ phía Ukraine. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng các kênh liên lạc cũng như mối quan hệ mà chúng tôi có với Nga. Những nỗ lực này đã và đang tiếp tục được thực hiện” - ông Al Thani nói.
Theo trang tin Axios, trong những tháng mùa hè vừa qua, ông Al Thani đã có hoạt động ngoại giao con thoi, thăm cả Nga và Ukraine.
Với xung đột Israel - Hamas, theo tờ The Guardian, nhiều quốc gia ở Trung Đông muốn đóng vai trò hòa giải cuộc xung đột này. Trong số này có Ai Cập, Oman và Kuwait. Tuy nhiên, Qatar mới là nước hội tụ đủ các yếu tố trở thành nước trung gian đàm phán hiệu quả.
Qatar là quốc gia giàu có, đủ nguồn lực chi trả các nỗ lực hòa giải vốn tốn kém và dài hơi. Nước này cũng giữ vai trò trung lập trong các vấn đề tại khu vực Trung Đông, không chịu sự ảnh hưởng từ các quốc gia Ả Rập hùng mạnh như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ - nước đồng minh của Israel. Trong khi đó, thủ đô Doha (Qatar) là nơi Hamas đặt văn phòng chính trị.