Xung đột Nga - Ukraine: Tình cảnh người dân 2 bờ cuộc chiến

Có tín hiệu tích cực tối thiểu từ vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine tại Belarus hôm 3-3. Hai nước ít nhất đã tìm được tiếng nói chung về việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các vùng chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, trên thực địa, giao tranh giữa lính Nga và lính Ukraine vẫn diễn ra ác liệt, với phía Nga đang chiếm nhiều ưu thế. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sẽ đạt bằng được mục tiêu tại Ukraine bất kể hoàn cảnh nào, theo đài RT.

Đáp trả lại hành động của Nga tại Ukraine, các nước phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt ngặt nghèo và chưa từng có lên Nga, với mục đích “cô lập nước Nga về chính trị, tài chính và kinh tế”. Nhóm các nền kinh tế tiên tiến G7 hôm 4-3 cũng cảnh báo sẽ trừng phạt tiếp nếu Nga không xuống thang căng thẳng tại Ukraine.

Người dân Ukraine tại TP Irpin gần thủ đô Kiev (Ukraine) gom hành lý
rời căn nhà đang cháy vì bị trúng pháo ngày 4-3. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Dân Ukraine khổ đau vì chết chóc, ly tán

Kể từ ngày 24-2, khi những chiếc xe tăng chở lính Nga vượt qua biên giới, người dân Ukraine sớm nhận ra rằng cuộc sống của họ đã bị xáo trộn hoàn toàn. Từ khi xung đột nổ ra, tiếng còi báo động không kích đã trở thành “một phần âm thanh” cuộc sống của người dân Ukaine, mọi sinh hoạt của họ dường như đã chuyển xuống các hầm trú bom, ga tàu điện ngầm. Bao trùm họ là nỗi sợ hãi, sự tuyệt vọng khi phải đối mặt với chết chóc giao tranh.

Số liệu từ chính phủ Ukraine và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) cập nhật tới ngày 4-3 cho thấy dưới các đợt phóng tên lửa, các cuộc không kích, pháo kích và các vụ nổ, khoảng 2.000 dân thường Ukraine đã thiệt mạng.

Không những lo sợ cái chết, họ - những dân thường Ukraine vẫn đang mắc kẹt bên trong cuộc chiến - phải chịu cảnh thiếu thốn thực phẩm, thuốc men. Đài DW mô tả rằng tại Kiev, lần đầu tiên sau nhiều thập niên người dân thủ đô phải sống trong tình trạng khan hiếm thuốc men, bánh mì và các thực phẩm thiết yếu khác. Ở khu vực trung tâm Kiev, người dân phải xếp hàng dài chờ đợi trước các siêu thị, tuy nhiên không còn bánh mì, trái cây hay rau củ mà họa chăng chỉ còn bánh ngọt, thuốc lá và rượu.

Tại TP Kherson ở miền Nam Ukraine hiện đã bị phía Nga kiểm soát, người dân mô tả tình cảnh ở đây như “một thảm họa nhân đạo”. Khắp TP là sự hỗn loạn và nỗi lo sợ khi đối mặt với sự thiếu hụt thực phẩm và thuốc men. Tình hình còn tệ hơn tại TP Mariupol thuộc tỉnh Donetsk, phía đông nam Ukraine. Phó thị trưởng Sergei Orlov ngày 3-3 cho biết nơi đây đã phải đối mặt với các cuộc pháo kích liên tục trong 26 giờ, đồng thời cảnh báo rằng khoảng 400.000 cư dân TP hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo, theo đài CNN. Ông Orlov cho hay: “Họ (phía Nga) đang phá hủy TP của chúng tôi với tất cả vũ khí, từ pháo binh, từ máy bay ném bom, từ tên lửa chiến thuật, từ hệ thống tên lửa phóng loạt. Toàn TP đã mất điện, chúng tôi không có nguồn cấp nước, không có hệ thống vệ sinh, không có hệ thống sưởi”.

Một lượng lớn dân thường Ukraine, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, chọn cách di tản ra nước ngoài hoặc di chuyển về các khu vực tây Ukraine nhằm tránh giao tranh. Do lệnh tổng động viên, mọi nam giới từ 18 đến 60 tuổi bị cấm rời khỏi đất nước. Nhiều gia đình, cặp đôi Ukraine đã buộc phải nói lời chia tay trong nước mắt.

Theo số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cập nhật ngày 4-3, hơn 1,2 triệu dân thường Ukraine, trong đó hơn nửa triệu trẻ em đã phải di tản khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia này. Song UNHCR cảnh báo nếu tình hình xung đột tại đây tiếp tục gia tăng thì khả năng sẽ có tới khoảng 4 triệu người Ukraine - bằng 1/10 dân số nước này - phải rời bỏ đất nước trong vài tuần tới. Châu Âu thậm chí còn đưa ra dự đoán kinh khủng hơn rằng sẽ có tới 7 triệu dân thường Ukraine tìm đường di tản nhằm tránh xung đột, tờ Economist đưa tin.

Những ngày này, tôi không biết phải chào mọi người như thế nào. Tôi không thể nói “Buổi sáng tốt lành”, “Buổi chiều tốt lành” và “Buổi tối tốt lành”. Hôm nay có thể không phải là ngày tốt đẹp đối với một số người và buổi tối có thể là đêm cuối cùng của một ai đó.

 Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY từng chia sẻ trong một lần phát biểu trước Nghị viện châu Âu 

Dân Nga khốn khổ, lao đao vì trừng phạt

Trong khi người dân Ukraine khổ đau vì chết chóc, ly tán thì tại Nga, người dân nước này đang dần cảm nhận những khó khăn đến từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga, mà theo đánh giá của hãng tin AP là có quy mô và mức độ khắc nghiệt chưa từng có. Hàng loạt quốc gia phương Tây đã loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga cũng như hạn chế việc sử dụng dự trữ ngoại tệ của Moscow.

Về các giao dịch tài chính, người dân ở thủ đô Moscow và các TP khác nói rằng các lệnh trừng phạt thực sự đã chạm đến cuộc sống thường ngày của họ. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2, đồng rúp Nga đã giảm tới 30% giá trị so với đồng USD, đài RT thông tin. Chuyện chuyển đổi từ đồng rúp sang ngoại tệ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường tài chính hỗn loạn. Giá trị tiền tiết kiệm, tiền lương bị giảm nhanh chóng chỉ trong vài ngày. Vì hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT không hoạt động, người dân gặp khó khi rút tiền và không thể mua nhiều mặt hàng nhất định. Truyền thông ghi nhận nhiều ngày qua luôn có hàng dài người mòn mỏi xếp hàng trước các trụ ATM để chờ đợi được rút tiền.

Giá cả hàng hóa cũng bắt đầu tăng lên, đặc biệt là các loại thiết bị điện tử và phụ tùng, khi Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng công nghệ, thuốc men và nhiều mặt hàng khác từ nhập khẩu. Nhiều mặt hàng nhất định trở nên khó mua hơn do một số công ty như Apple, Nike, H&M thông báo dừng hoạt động bán hàng ở Nga. Hàng loạt công ty quốc tế rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga. Các hãng tàu lớn nhất thế giới gồm MSC và Maersk tạm ngừng vận chuyển đến và đi từ Nga. Các hãng máy bay Boeing và Airbus đã ngừng cung cấp thiết bị và hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga.

Ngoài ra, dưới tác động của lệnh cấm bay từ phương Tây cũng như từ Nga, hàng chục ngàn người Nga vẫn còn đang mắc kẹt ở nước ngoài.•

Châu Âu gấp rút giúp người dân Ukraine di tản, tị nạn

Tổ chức Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR) nhận định các quốc gia châu Âu đã phản ứng nhanh chóng ngay từ đầu khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Giới quan sát cho rằng phản ứng của châu Âu lần này tích cực hơn đối với các cuộc khủng hoảng người tị nạn trước đó vào năm 2015 hay như khủng hoảng làn sóng tị nạn tại biên giới Belarus - Ba Lan vào năm ngoái.

Ba Lan, nơi sinh sống hiện tại của khoảng 1,5 triệu người Ukraine, đã đón hơn một nửa trong tổng số người tị nạn mới, tức hơn 547.000 người. Lượng người còn lại sang Belarus, Hungary, Moldova, Romania, Slovakia và các khu vực khác của châu Âu. Khoảng 48.000 người di tản đến Nga.

Ireland thông báo miễn tất cả yêu cầu về thị thực cho người Ukraine di tản. Cộng hòa Czech cũng dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh và các quy định COVID-19 đối với người tị nạn Ukraine. Liên minh châu Âu ngày 3-3 thông báo khối này có kế hoạch áp dụng Quy chế bảo vệ tạm thời tối đa ba năm đối với người dân Ukraine di tản, bao gồm cấp phép cư trú, tiếp cận việc làm và phúc lợi xã hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm