Quan hệ giữa Nga và Israel, từng được coi là bền chặt, hiện đang bị thử thách vì những khác biệt trong quan điểm đối với hai cuộc xung đột lớn, một là chiến sự Nga-Ukraine, hai là giao tranh giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine).
Từ “bạn thân”...
Theo tờ The Times of Israel, năm 2018, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu từng gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “bạn thân”. Tính từ năm 2015 tới nay, lãnh đạo Israel đã 10 lần đến thăm Nga. Trong chiến dịch vận động tranh cử ở Israel hồi năm 2019, ông Netanyahu còn treo 1 tấm áp phích in hình ông bắt tay nhà lãnh đạo Nga để thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Tháng 10-2021, ông Putin từng nhấn mạnh rằng Moscow rất quan tâm mối quan hệ với Tel Aviv. Ông Putin cũng lưu ý rằng quan hệ Nga-Israel đang phát triển theo hướng tích cực, ổn định.
Đáp lại, phía Israel khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Nga, đồng thời lưu ý rằng phát triển quan hệ với Nga là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của Israel.
The Times of Israel lưu ý việc suốt nhiều năm qua Nga và Israel đã tăng cường hợp tác với nhau trên nhiều phương diện.
Về kinh tế-xã hội, Nga và Israel đã ký với nhau nhiều thỏa thuận nhằm phát triển kinh tế và quan hệ song phương, trong đó có Chương trình miễn thị thực Nga-Israel (2008), Chương trình hợp tác y tế chung Nga-Israel (2014)... Tính từ năm 2014 tới nay, Nga còn là đối tác cung cấp dầu thô lớn nhất cho Israel.
Về quốc phòng-an ninh, kể từ khi Nga can thiệp vào xung đột tại Syria năm 2015, nước này đã đảm bảo với Israel rằng sẽ nỗ lực xoa dịu xung đột, đảm bảo lực lượng Syria và Israel không xảy ra đụng độ hay bắn nhầm vào nhau tại khu vực biên giới 2 nước.
Năm 2017, ông Putin cũng lên tiếng đảm bảo với ông Netanyahu rằng Moscow sẽ ra sức ngăn chặn Iran (quốc gia đối đầu với Israel ở Trung Đông) và lực lượng vũ trang Hồi giáo Hezbollah (thuộc Lebanon) tấn công khu vực Cao nguyên Golan (vùng lãnh thổ nằm giữa Syria, Israel, Lebanon, Jordan - do Israel kiểm soát).
… đến bờ vực “người lạ”
Theo tờ The Times, quan hệ Nga-Israel có xu hướng ngày càng xa cách kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2-2022.
Từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, giới chức Israel đã luôn tránh đề cập xung đột Nga-Ukraine, tuyên bố giữ thế trung lập và không hưởng ứng việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Tuy nhiên vào tháng 11-2022, ông Netanyahu bất ngờ có những phát ngôn đầu tiên về xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, ông Netanyahu phản đối việc Nga đưa quân vào Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Israel sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải Nga-Ukraine.
Theo The Times, cũng từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Moscow dần “thân thiết” với Iran. Hai nước còn tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng.
Quan hệ Nga-Israel càng thêm ảm đạm từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát vào ngày 7-10.
Cụ thể, sau khi xung đột nổ ra, Nga đã mời các quan chức Hamas thăm Moscow. Theo hãng tin RIA Novosti, đây là nỗ lực của Moscow nhằm kêu gọi Hamas thả những con tin mà tổ chức này đã bắt giữ từ hôm 7-10.
Ông Abu Marzouk - phó thủ lĩnh chính trị của Hamas - mô tả lời mời của Nga là “nỗ lực nhằm chấm dứt hành vi xung đột mà Israel đang cố tình leo thang tại Gaza”. Sau chuyến thăm Moscow, Hamas cũng thông báo đã thả 8 con tin ở Gaza mà Nga yêu cầu, vì “Nga xem Hamas là những người bạn”.
Theo The Times, động thái trên của Nga đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Israel.
Ngày 28-10, Bộ Ngoại giao Israel kêu gọi Nga ngay lập tức trục xuất phái đoàn Hamas, đồng thời mô tả lời mời Hamas thăm Moscow là một bước đi sai lầm của Nga, vì nó giống như hành động "ủng hộ khủng bố" và "hợp pháp hóa hành vi tàn bạo" của Hamas tại Israel.
Bà Hanna Notte - chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (bang California, Mỹ) băn khoăn chưa rõ Nga và Israel sẽ có động thái gì để duy trì quan hệ song phương trước tình hình lao dốc.
“Xung đột tại Gaza sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ Nga-Israel. Tình hình căng thẳng có thể sẽ buộc Nga tìm chiến lược cân bằng, sao cho vừa duy trì được sự ủng hộ của thế giới Ả Rập, vừa không cắt đứt quan hệ với Israel” - Bà Notte nhận định.
Ông Hamidreza Azizi, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Nga-Iran tại Viện An ninh Quốc tế Đức, nhận định rằng các phản ứng gần đây của Moscow về xung đột Israel-Hamas cho thấy dường như Nga đang chọn đứng về phía Iran và các đồng minh của nước này tại Trung Đông.
"Tôi nghĩ Nga đã có lựa chọn đứng về phía ai ở Trung Đông, và tất nhiên đó không phải là Israel" - ông Azizi nói.