Quan chức Trung Quốc viết blog chính vụ

Trong hai năm gần đây, hiện tượng các quan chức Trung Quốc viết blog về công việc (blog chính vụ) đã gia tăng đáng kể.

Hồi tháng 8, lần đầu tiên ở Trung Quốc một cuộc hội thảo mang tên Hội thảo đỉnh cao sáng tạo về quản lý xã hội với blog chính vụ đã được tổ chức tại Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang). Hội thảo do mạng www.qq.com và báo mạng Nhân Dân Nhật Báo liên kết tổ chức đã gây được chú ý trong dư luận.

Theo Tân Hoa xã (Trung Quốc), blog chính vụ của các quan chức được lập ra nhằm lắng nghe ý kiến nhân dân, thúc đẩy công việc của chính quyền và giám sát dư luận quần chúng để công việc đạt hiệu quả tốt nhất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các chuyên gia chính vụ điện tử (Học viện Hành chính Quốc gia) Uông Ngọc Khải nhận xét: “Điểm nổi bật của các blog này chính là sức lan tỏa được tạo ra về công tác quản lý của cơ quan chính quyền. Đây là điều xưa nay chưa từng xảy ra ở Trung Quốc”.

Blog chính vụ còn giúp giải tỏa ưu tư của người dân. Tỉ như trong tai nạn tàu cao tốc ở Chiết Giang ngày 23-7 hay tình hình tranh mua muối và nước uống, blog chính vụ đã kịp thời thông báo tin tức, hóa giải tin đồn và ổn định được tâm lý người dân.

Blog chính vụ cũng xử lý kịp thời và hiệu quả mong muốn của cư dân mạng như trường hợp của Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Ninh (tỉnh Chiết Giang) Kim Trung Nhất.

Quan chức Trung Quốc viết blog chính vụ ảnh 1

Ảnh: BEIJING TODAY (TRUNG QUỐC)

Trưởng khoa Nghiên cứu dư luận (ĐH Nhân dân Trung Quốc) Dụ Quốc Minh nhận xét: “Blog là một tiện lợi tuyệt vời nếu cán bộ lãnh đạo nhất thiết mong muốn thấu hiểu nguyện vọng của dân và làm mọi việc nhất thiết đều vì dân”.

Một bộ phận khác trong dư luận lại suy nghĩ ngược lại. Họ cho rằng hiện tượng viết blog chính vụ chỉ là hình thức, phô trương, rỗng tuếch và hám danh.

Nhiều ý kiến cho rằng một bộ phận các quan chức chỉ viết blog để ứng phó với cấp trên hoặc xu thời. Thậm chí một số blog chính vụ còn dùng tiểu xảo đánh bóng cá nhân. Một số blog khác chỉ toàn đăng tin tức địa phương và thông báo của chính quyền.

Một số cơ quan chính quyền và quan chức sau khi lập blog ra chẳng thèm đoái hoài đến. Không ít blog luôn hiển thị câu: “Vấn đề mà bạn phản ánh đã được chúng tôi chuyển cho các ban ngành có liên quan điều tra. Cảm ơn bạn đã ủng hộ công việc của chúng tôi”.

Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi: Chẳng biết các cán bộ lãnh đạo như trên có đi theo vết xe cũ của thùng thư góp ý, trào lưu qua đi thì người cũng đi, chỉ còn blog trống rỗng làm kiểng.

Năm 2009, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Ninh (tỉnh Chiết Giang) Kim Trung Nhất đã lập blog, sau đó hướng dẫn cho 19 cán bộ lãnh đạo trong sở lập blog. Mục đích để thông báo nhanh chóng thông tin về công việc và giải đáp trực tiếp thắc mắc của các blogger. Đến nay họ đã cùng giải quyết được hơn 2.000 ca tư vấn.

266 blog của các quan chức từ cấp phó giám đốc sở trở lên được lập ra từ đầu năm đến nay ở Trung Quốc. Tổng cộng blog chính vụ do các cơ quan chính quyền, quan chức và cán bộ nhà nước lập ra trong năm nay đã lên đến hơn một vạn. Đặc biệt ở tỉnh Chiết Giang, 90% cán bộ (hơn 3.000 cán bộ) đã lập blog.

UYÊN KIM (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm