Lâu nay việc thi hành án hành chính (THAHC) khiến người dân khá đau đầu khi người phải THA là các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước không tự giác thực hiện bản án của tòa. Để chấm dứt tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2016/NĐ-CP (có hiệu lực ngay ngày ban hành, từ 1-7), quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án. Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: “Việc ban hành Nghị định 71 là bước tiến lớn trong quá trình đảm bảo quyền lợi tổ chức, cá nhân được thi hành bản án hành chính”.
Có quyền đề nghị tòa ra quyết định buộc THA
. Phóng viên: Thưa luật sư, xin ông nói tổng quát về sự tiến bộ của Nghị định 71 so với công tác THAHC hiện nay?
+ Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Những bất cập trong việc THAHC là vấn đề được mổ xẻ, phân tích từ nhiều năm nay. Bấy lâu không có chế tài xử lý hành vi chây ì hoặc trốn tránh nghĩa vụ THAHC. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 71 với nhiều quy định chi tiết, nhất là có chế tài xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành gồm sáu hình thức kỷ luật đối với công chức, viên chức vi phạm pháp luật về THAHC sẽ tạo ra đột phá về hiệu quả THAHC.
. Quy trình thủ tục yêu cầu THAHC có thuận lợi hơn trước, ai được quyền ra quyết định THA cũng như đôn đốc, theo dõi, giám sát?
+ Trước đây người được THA chỉ biết trông chờ vào sự tự nguyện THA của người phải THA, cơ quan THA dân sự chỉ có quyền đôn đốc, không có chế tài nào xử lý. Nhưng bây giờ người yêu cầu THAHC có quyền gửi đơn đề nghị tòa án ra quyết định buộc phải THA trong thời hạn một năm kể từ ngày hết hạn tự nguyện THA. Quyết định buộc THA được gửi cho người phải THA, người được THA, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA và VKSND cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nghiệm của người phải THA theo quy định pháp luật. Quyết định buộc phải THA cũng được gửi cho cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THAHC theo quyết định của tòa.
Cuối năm 2015, tòa phúc thẩm buộc UBND quận 2 phải tính lại giá trị hỗ trợ với phần đất bị thu hồi cho bà Nguyễn Thị Ghi, nhưng đến nay bà Ghi vẫn chờ THA. Ảnh: T.TÙNG
. Thực tế có tình trạng quyết định hành chính bị hủy xong, cơ quan hành chính nhà nước không ban hành quyết định mới mà cứ để “treo” vụ việc, hoặc có ban hành thì nội dung lại… giống y chang quyết định ban đầu. Nghị định 71 có khắc phục được điều này?
+ Đó là do chúng ta chưa có chế tài hoặc chế tài không rõ nên việc THAHC ít hiệu quả. Nay Nghị định 71 đã quy định cụ thể và đồng bộ các hình thức xử lý vi phạm thì hoàn toàn có thể khả thi. Đơn cử, người không THAHC có thể bị xem xét kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trì hoãn THA: Bị kỷ luật, bị đưa thông tin lên mạng
. Cụ thể thì cán bộ, viên chức vi phạm pháp luật THAHC sẽ bị xử lý thế nào?
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở THA có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu hình sự, bồi thường thiệt hại. Có sáu hình thức xử lý gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Trong đó, cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu sau khi có quyết định buộc THAHC mà không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án và gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc THA. Hình thức buộc thôi việc áp dụng đối với cán bộ, công chức nếu sau khi có quyết định buộc THAHC mà không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; bị phạt tù mà không được hưởng án treo về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc THA.
. Điều 30 Nghị định 71 quy định công khai thông tin việc không chấp hành án trên mạng Internet. Luật sư có thể nói rõ hơn về quy định này?
+ Đây là lần đầu tiên biện pháp này được áp dụng. Quy định này cùng với các quy định về xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của việc THAHC. Cụ thể, trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc THAHC, Cục THA dân sự tổ chức công khai quyết định buộc THAHC bằng việc đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các chi cục THA dân sự trực thuộc. Đồng thời, thông tin này được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục THA dân sự và Chính phủ đối với các vụ việc người phải THA là UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thông tin công khai gồm: Tên, địa chỉ của người phải THA; số, ngày, tháng, năm và tên tòa án ra quyết định buộc THAHC; nghĩa vụ phải thi hành.
Cơ quan, người có thẩm quyền không xét thi đua, khen thưởng; không đánh giá, phân loại ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về THAHC.
. Ngoài những mặt được thì theo ông, Nghị định 71 cần bổ sung gì để việc THAHC đạt hiệu quả tối đa?
+ Theo tôi, cần có quy định về việc thành lập cơ quan chuyên trách trong việc THAHC, bởi tòa án hay cơ quan THA dân sự khó có thể đảm trách tốt việc THAHC vì đó không phải là công việc chính hay chuyên trách. Ngoài ra, việc cơ quan chuyên trách với những quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, quyền hạn, sẽ giúp việc THAHC đạt hiệu quả cao nhất.
. Xin cám ơn luật sư.
Người được THA sẽ được yêu cầu THA các vụ việc như sau: - Thi hành bản án, quyết định của tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện; - Thi hành bản án, quyết định của tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; - Thi hành bản án, quyết định của tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc; - Thi hành bản án, quyết định của tòa án về hành vi hành chính; - Thi hành bản án, quyết định buộc sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. (Theo Nghị định 71/2016/NĐ-CP) |