Quản lý thị trường Lâm Đồng: Không còn nạn giả khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt

(PLO)- Từ sau loạt bài điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng không còn phát hiện trường hợp nào giả nhãn mác khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt để lừa dối khách hàng.

Ngày 24-1, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong năm 2024, cơ quan này đã phát hiện, xử phạt 881 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cục QLTT Lâm Đồng phát hiện vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả.

Cụ thể, trong năm 2024, cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra 1.121 vụ và phát hiện 881 vụ vi phạm, xử phạt 4,6 tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước.

Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng, kết quả kiểm tra một số mặt hàng trọng điểm đã phát hiện các vi phạm về buôn bán hàng hoá kém chất lượng, không duy trì đầy đủ các điều kiện về kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan này cũng phát hiện 23 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, xử phạt gần 250 triệu đồng.

Đáng lưu ý nhất là hoạt động kiểm soát kinh doanh xăng dầu, trong năm 2024, Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng đã thanh tra, kiểm tra 82 vụ, phát hiện 11 vụ vi phạm liên quan, xử phạt hàng trăm triệu đồng.

Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng tăng cường kiểm soát hàng hoá.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh nông sản, ông Phan Văn Tuyên - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài điều tra ""Hô biến" khoai tây Trung Quốc thành hàng Đà Lạt", đến nay, cơ quan này không phát hiện thêm trường hợp nào có hành vi tương tự.

“Ngoài tăng cường kiểm soát, chúng tôi còn yêu cầu các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này ký cam kết không thực hiện các hành vi trộn đất, dán nhãn mác để lừa đối khách hàng”- ông Tuyên cho biết thêm.

Khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán phân bón giả

Ngày 27-9, Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can là Lê Tuấn Anh và Đào Đình Tuấn, do có hành vi từ TP.HCM lên Lâm Đồng sản xuất, buôn bán phân bón giả.

Đây là vụ án do Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng phối hợp kiểm tra và chuyển giao hồ sơ.

Cụ thể, Lê Tuấn Anh quen Đào Đình Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu VTCHEMS và biết công ty của Tuấn có sản xuất, kinh doanh phân bón DAP 18-46-0 giá rẻ hơn thị trường.

Đào Đình Tuấn đề nghị Tuấn Anh hợp tác phân phối và Tuấn Anh đồng ý. Sau đó, Lê Tuấn Anh đã mua tổng cộng 9 tấn phân bón DAP 18-46-0 từ Đào Đình Tuấn rồi bán cho các đại lý và người dân trên khu vực Bảo Lâm, TP Bảo Lộc.

Đào Đình Tuấn thừa nhận loại phân bón DAP 18-46-0 đã bán cho Tuấn Anh có xuất xứ từ Trung Quốc, có hình dạng và màu sắc giống với loại phân bón thông thường, nhưng chất lượng, hàm lượng không đảm bảo.

Bản thân Đào Đình Tuấn không được cấp phép sản xuất phân bón nhưng vẫn tự mua bao bì, nguyên liệu, làm tem phụ và thuê đơn vị khác gia công rồi chào bán với giá rẻ hơn giá thị trường nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới