Huang Lei, 24 tuổi, mang quốc tịch Anh nói với đài CNN rằng khoảng 25 người từ các nước phương Tây đang hiện diện ở khu vực Afrin, miền Bắc Syria để hỗ trợ Các Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) giữ đất khi Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức tấn công lực lượng này.
CNN cho hay một video được YPG đăng tải trên mạng xã hội cho thấy sáu chiến binh nước ngoài, trong đó có một người nói giọng Mỹ, đang chuẩn bị đi đến Afrin chiến đấu.
Huang Lei, một chiến binh mang quốc tịch Anh đang chiến đấu chống IS ở Syria. Ảnh: CNN
Một quan chức thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – liên minh với YPG, nói rằng các công dân thuộc các nước Anh, Mỹ và Đức nằm trong số “hàng chục ”chiến binh có mặt ở Afrin, Reuters đưa tin.
Hãng tin CNN đã trao đổi thông tin với Lei thông qua mạng xã hội Weibo hôm 24-1. CNN không thể xác minh độc lập các tuyên bố của Lei.
Lei, đến từ TP Manchester (Anh), nói rằng cách đây chỉ vài ngày, anh đã cầm súng chiến đấu chống IS ở khu vực khác thuộc Syria.
“Tôi có mặt ở đây để bảo vệ người dân Rojava khỏi chủ nghĩa khủng bố” – Lei nói. Rojava là khu vực bán tự trị ở phía Bắc Syria mà lực lượng người Kurd khát khao thành lập.
“Không có gì khác biệt dù kẻ xâm lược là IS hay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ đã có chủ ý tấn công vào các tòa nhà dân sự như bệnh viện” – Lei chia sẻ.
Với việc IS đang trên bờ vực bị xóa sổ ở Syria, các chiến binh nước ngoài chỉ còn lựa chọn hoặc trở về nước hoặc tiếp tục hỗ trợ các lực lượng dân quân mà họ gia nhập, theo CNN.
Trước khi gia nhập YPG, Lei kể anh là một sinh viên ngành chính trị quốc tế tại ĐH Manchester. Anh rời nước Anh vào năm 2015 nhưng giờ đây anh chia sẻ cuối cùng anh cũng chỉ muốn trở lại quê hương.
“Tôi muốn cái ác tránh xa quê hương tôi và muốn chiến đấu chống những kẻ khủng bố. Đây là lý do tôi đến đây” – Lei nói.
Hiện chưa rõ liệu từ lúc Lei rời Anh tới bây giờ, anh chỉ lưu lại Syria hay còn đến những nơi khác nữa.
Nội chiến Syria đã nổ ra gần bảy năm và lôi kéo hàng ngàn chiến binh nước ngoài. Trong đó, một số người thì gia nhập các nhóm thánh chiến, một số khác thì đầu quân cho lực lượng người Kurd chống lại những kẻ khủng bố.
Tuy nhiên, CNN bình luận việc chuyển trọng tâm sang lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh dấu một chuyển biến lớn trong vai trò của các chiến binh nước ngoài liên quan tới xung đột Syria.
Ankara từ lâu đã vật lộn với sự bất ổn của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này quyết tâm ngăn lực lượng này thành lập một nhà nước người Kurd ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Ankara đã sử dụng vũ lực trong hàng thập kỷ qua ở Đông Nam đất nước và cũng đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích ở biên giới Syria.
YPG: Chiến dịch ở Afrin là “dự án khủng bố”
Như CNN đưa tin, trong một video do YPG đăng tải, sáu chiến binh nước ngoài đang cầm vũ khí xếp thành hàng đứng trước máy quay và thông báo ý định của họ là chiến đấu chống Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Afrin. Trong sáu người đó, có bốn người che mặt.
“Chúng tôi đã được huấn luyện trong một khoảng thời gian đáng kể để có thể chống lại bất cứ lực lượng nào” – một chiến binh không che mặt trong nhóm nói. Người này dường như nói giọng Mỹ.
“Đó thực sự không phải là điều gì bất ngờ” – người này nói tiếp, gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là “quân xâm lăng”.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hành quân gần biên giới Syria tại Hassa, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22-1. Ảnh: CNN
Mustafa Bali, phát ngôn viên của SDF nói với CNNrằng sáu chiến binh trong video trên không phải là tân binh.
“Chúng tôi có một nhóm chiến binh quốc tế gia nhập YPG và tham gia các trận chiến chống IS ở Kobane. Những chiến binh này sát cánh với chúng tôi trong tất cả chiến dịch cách mạng chống IS ở mọi nơi” – ông nói.
“Bây giờ những chiến binh này nhìn nhận cuộc chiến ở Afrin là một phần của kế hoạch khủng bố. Với lý do đó, họ đã quyết định tham gia kháng chiến ở Afrin. Tất nhiên, chúng tôi không ép họ lựa chọn đi hay ở” - ông Mustafa Bali nhấn mạnh.
Một điều phối viên của đơn vị quan hệ đối ngoại YPG nói với CNN hồi tháng 12 năm ngoái rằng, kể từ năm 2014, khoảng 300 tình nguyện viên nước ngoài đã gia nhập hàng ngũ YPG và có thêm khoảng 500 người nước ngoài tình nguyện tham gia các hoạt động dân sự. Nhưng không phải tất cả số người này hiện giờ còn ở lại YPG.
Thổ Nhĩ Kỳ tự mình mở chiến dịch “Cành oliu” ở Afrin bốn ngày trước đây, nhắm vào YPG mà Ankara xem là tổ chức khủng bố và là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tất cả đều xem PKK là tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, Washington lại chống lưng và trang bị vũ khí cho YPG ở một số khu vực khác thuộc Syria như một lực lượng hàng đầu trong cuộc chiến xóa sổ IS.
Nhóm phóng viên CNN tác nghiệp ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syrira đã nghe thấy tiếng pháo nổ trong hai ngày qua. Trong khi đó, một nhà báo sống ở Afrin kể rằng các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ trong sáng ngày 24-1 đã tiến hành năm cuộc không kích. Mặc do bom rơi đạn lạc, nhà báo này cho hay cuộc sống ở Afrin vẫn diễn ra bình thường. Người dân vùng Afrin vẫn đưa con đến trường và vẫn họp chợ.
Nhà báo này cho hay con gái của ông đã chỉ lên chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ và cười. “Mọi người không có lựa chọn nào khác ngoài sự phản kháng. Chúng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và kinh hoàng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gieo rắc vào chúng tôi” – ông chia sẻ.