Ngày 24-6, Quốc hội (QH) thảo luận về dự luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Vấn đề được các đại biểu (ĐB) quan tâm, phát biểu là đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón.
Trong 19 ý kiến phát biểu, đa số ý kiến bày tỏ không đồng tình, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn và cho rằng cần thận trọng quyết định vấn đề thuế VAT 5% đối với phân bón.
Lấy 6.000 tỉ từ nông dân?
ĐB Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cùng nhiều ĐB khác đề cập đến điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo luật quy định mặt hàng phân bón là đối tượng phải chịu thuế VAT với thuế suất 5% và bày tỏ sự không đồng tình.
Theo các ĐB, việc này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ gia đình nông dân cũng như tính hiệu quả, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngay thời điểm hiện nay. Cùng với đó, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế có thể do chưa được đánh giá kỹ lưỡng vì chỉ mới có lý do là doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế, giúp tạo ra sản phẩm phân bón trong nước có đủ sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, Nhà nước có thêm nguồn thu từ thuế nhập khẩu phân bón.
“10 năm qua, cứ mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, các đoàn ĐBQH, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có ĐBSCL đều được nghe nông dân phản ánh giá cả các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao. Đồng thời, đề nghị Nhà nước nghiên cứu có giải pháp quản lý và hỗ trợ” - ĐB Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đến nay trong khi những kiến nghị và sự lo lắng ấy vẫn chưa được giải quyết thì QH lại tiếp tục thảo luận để “bổ sung mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa, dịch vụ phải chịu thuế, với thuế suất 5%”. Điều này chắc chắn sẽ làm cho nông dân đã lo lắng nay lại còn lo lắng nhiều hơn.
ĐB Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng gỡ khó cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết và cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. “Vì phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, đặc biệt là nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này” - ĐB Tú lý giải.
Cần làm rõ giá phân bón tăng có phải do thuế tăng
ĐB Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) dẫn báo cáo của Bộ Tài chính nói nếu đánh phân bón VAT 5% thì ngân sách nhà nước sẽ tăng thu trên 6.300 tỉ đồng. “Vậy số tiền này lấy từ đâu? Thực tế là nông nghiệp, nông dân phải gánh” - ĐB Lâm nói và cho rằng trong vấn đề này có mối quan hệ của ba chủ thể là doanh nghiệp - Nhà nước - nông dân.
Theo ông Lâm, các mặt hàng như phân bón hiện không phải là đối tượng chịu thuế VAT nên doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế VAT đầu vào của vật tư sản xuất các mặt hàng này. Như vậy, sản phẩm sản xuất trong nước có thể kém tính cạnh tranh hơn so với nhập khẩu ngay trên sân nhà, vì hàng nhập có thể đã được nước sở tại hoàn thuế VAT khi xuất khẩu.
“Nếu tăng thuế VAT lên 5% thì cả sản xuất và nhập khẩu cùng chung thuế suất đầu ra; doanh nghiệp trong nước lại được khấu trừ đầu vào, cấu phần giá thành giống hàng nhập khẩu và khắc phục được tính kém cạnh tranh nêu trên” - ông Lâm nói.
Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh 5% thuế VAT này lại thu từ nông dân sử dụng hàng đó cho sản xuất nông nghiệp. Và do đặc thù nông hộ, nhỏ lẻ của nông nghiệp hiện nay, ông Lâm nói 5% thuế VAT này không được khấu trừ đầu vào, do đó sẽ làm tăng giá thành nông sản, giảm tính cạnh tranh, giảm thu nhập của nông nghiệp, nông dân.
“Tăng thuế thì doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng lợi nhuận và ngân sách nhà nước tăng thu nhưng nông dân thiệt” - ông Lâm nói và đề nghị không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp và tàu cá đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thế VAT. “Không nên thu của người nghèo trả cho người giàu” - ông Lâm nêu quan điểm.
ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị làm rõ việc phân bón tăng giá vừa qua có phải do thuế tăng không. “Tôi cho rằng điều này không đúng mà là do chi phí đầu vào, giá vật tư. Nếu tăng thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón thì phải đánh giá kỹ lưỡng. Nếu doanh nghiệp được khấu trừ 5% này thì họ đầu tư mở rộng thêm. Khi đó, giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt” - ông An nhận định.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đề nghị nên quy định mặt hàng phân bón là đối tượng áp dụng thuế suất 0% nhằm giảm giá thành sản phẩm hơn nữa cũng như khấu trừ thuế VAT đầu vào. “Quy định như vậy càng có lợi cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất phân bón” - ĐB Thúy nói.
Không đồng tình với đề xuất này, ĐB Trịnh Xuân An cho rằng cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. “Đề nghị Chính phủ xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%” - ĐB An nói. •
Mỗi hộ nông dân chỉ chịu thêm 38.000 đồng/tháng
Giải trình ý kiến của các ĐB về dự kiến thuế suất VAT 5% đối với phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng quá trình làm Luật Thuế VAT từ năm 2008 đến 2013, mặt hàng phân bón từng được “đưa vào rồi lại đưa ra”. Khi sửa Luật Thuế VAT, Chính phủ đã đề nghị đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế. “Chúng tôi sẽ đánh giá tác động lần nữa và trình QH vào kỳ họp tới” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Ông Phớc dẫn số liệu sản lượng phân bón nhập khẩu hiện chiếm hơn 73%, còn phân bón trong nước chỉ chiếm gần 26%. “Quy định như vậy (thuế suất VAT 5% với phân bón - PV) là để doanh nghiệp trong nước không chịu sự bất bình đẳng. Việc hoàn thuế sẽ tạo cho doanh nghiệp thêm nguồn lực để hiện đại hóa, mở rộng sản xuất, hạ giá thành…” - ông Phớc nói.
Thông tin thêm, ông Phớc cho hay tính trên bình diện nền nông nghiệp Việt Nam, mỗi hộ nông dân mỗi năm chỉ trả thêm 461.000 đồng, tương đương 38.000 đồng/tháng. Nền nông nghiệp cũng như phân bón không hẳn sẽ chịu tác động từ thuế mà còn chịu tác động từ cung cầu. Nếu nguồn cung tăng lên thì giá hạ, nguồn cung ít thì giá sẽ cao.
“Chúng tôi sẽ xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp và ĐBQH một lần nữa” - ông Phớc khẳng định.