Bất ngờ với sức mạnh 'nghĩa vụ tiêm chủng'

Châu Âu đang có nguy cơ lần nữa thành tâm dịch của thế giới. Chính quyền nhiều nước đang nỗ lực tăng tốc tiêm chủng cho dân để không phải đi tới bước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn dịch mới.

Hàng loạt nước siết “nghĩa vụ tiêm chủng”

Theo hãng tin Bloomberg, Hy Lạp từ ngày 22-11 sẽ cấm người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào các địa điểm trong nhà như rạp chiếu phim, rạp hát, phòng tập gym và bảo tàng. Trước đó, từ đầu tháng 11, những người này cũng không được phép vào nhà hàng, quán bar và quán cà phê. Trước đó, từ tháng 9, Hy Lạp quy định người lao động không tiêm vaccine thì hằng tuần phải hai lần trình giấy xét nghiệm âm tính (tự chịu chi phí) khi đến chỗ làm.

Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố TP Koeln (Đức) ngày 17-11. Ảnh: AP

Thụy Điển từ ngày 1-12 buộc dân phải có thẻ thông hành COVID-19 (tiêm chủng đầy đủ, có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ hoặc đã khỏi bệnh) để tham gia các sự kiện có hơn 100 người và di chuyển tự do.

Tại Đức, ngày 17-11, Thủ tướng Angela Merkel cũng siết các hoạt động của người chưa tiêm vaccine. Theo đó, tại các khu vực có nhiều hơn ba bệnh nhân COVID-19 nhập viện trên 100.000 dân thì chỉ những người đã được tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh mới được vào các địa điểm công cộng như nhà hàng, rạp hát.

Theo đài CNN, tại Áo, tuần trước Thủ tướng Alexander Schallenberg nói ông không thể chấp nhận tỉ lệ tiêm chủng “thấp đáng xấu hổ” ở Áo (65%, thuộc hàng thấp trong khối Liên minh châu Âu), trong khi Áo có đủ nguồn vaccine. Ông tuyên bố sẽ siết quy định tiêm chủng, theo đó người nào không chịu tiêm vaccine sẽ phải ở trong nhà, trừ một số ít ngoại lệ và phải được cảnh sát kiểm tra.

Tại Pháp, từ giữa tháng 9 cho phép chủ lao động có quyền đình chỉ công việc, không trả lương cho nhân viên không chịu tiêm chủng. Đã có 3.000 nhân viên y tế không chịu đi tiêm vaccine bị đình chỉ công việc, không hưởng lương.

Dân đổ xô tiêm vaccine

Sau động thái siết “nghĩa vụ tiêm chủng” của nhà chức trách thì dân hàng loạt nước châu Âu bắt đầu đổ xô đi tiêm vaccine. Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Đức cho biết đã ghi nhận tới 436.000 người đi tiêm vaccine trong ngày 16-11, trong đó có 300.000 liều tăng cường. Đây là con số người đi tiêm chủng cao nhất một ngày trong vòng ba tháng qua.

Số liệu của cơ quan y tế Áo cho thấy số lượng người dân Áo đi tiêm vaccine mỗi ngày đã tăng lên trung bình hơn gấp ba lần so với trước khi chính phủ siết “nghĩa vụ tiêm chủng”, cụ thể khoảng 73.000 người/ngày so với 20.000 người/ngày hồi tháng 10. Dù phần lớn trong số đó là mũi tăng cường chứ không phải là mũi đầu tiên nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng và được đánh giá là lối thoát cho tình hình dịch nguy hiểm của nước này.

Có thể xem số liệu tiêm chủng của Thụy Sĩ - nước chưa áp đặt “nghĩa vụ tiêm chủng” - để so sánh. Trong tuần qua, Thụy Sĩ ghi nhận chỉ 35.000 người đi tiêm mũi đầu tiên. Số người đi tiêm chủng ở Pháp, Tây Ban Nha cũng tăng ấn tượng sau khi các nước này siết “nghĩa vụ tiêm chủng”.•

 

Theo thống kê của WHO, ở khu vực Tây Âu thì tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ hiện khoảng 60% dân số, trong khi các nước ở Đông Âu chỉ khoảng 30%. Lý do lớn nhất là khó tiếp cận nguồn cung vaccine, bên cạnh đó còn có tâm lý e ngại về độ an toàn của vaccine.

Dịch ở châu Âu xấu đi nguy hiểm

Đài NBC dẫn lời Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, Hans Kluge cho biết xu hướng gia tăng ca nhiễm mới mỗi ngày ở châu Âu xuất hiện từ đầu tháng 11, khi mùa đông bắt đầu. Chỉ trong tuần qua, châu Âu ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm. Các điểm nóng là Nga, Đức và Anh, với số ca nhiễm mới trung bình dao động 20.000-50.000. Một số nước khác như Hà Lan, Bỉ ít nghiêm trọng hơn nhưng mỗi ngày cũng ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới, nhiều hơn các nước ở những châu lục khác.

Một báo cáo của WHO công bố hồi tuần trước cũng báo động về số ca tử vong ở châu Âu. Trong số 50.000 người chết vì COVID-19 ghi nhận trên toàn cầu từ ngày 7 đến 13-11 thì chỉ có châu Âu là tăng 5%, với Na Uy tăng 67% và Slovakia tăng 38%. Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu vệ sinh và y học nhiệt đới London (Anh) đăng trên chuyên san Nature cảnh báo nếu cứ tiếp tục đà lây lan như hiện nay thì châu Âu tới cuối năm 2021 sẽ có thêm 1 triệu người nhiễm trở nặng phải nhập viện và 300.000 người trong số đó sẽ chết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm