Campuchia "gây hại" cho ASEAN

Quyết định không ra tuyên bố chung chưa từng có tiền lệ của nước chủ tịch Campuchia tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 ngày 13-7 (AMM-45) vừa qua khiến dư luận quan ngại về sự rạn nứt của ASEAN cũng như tác động của Trung Quốc đến tính độc lập của ASEAN.

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 15-7 đã đăng bài bình luận với nhan đề Campuchia đặt ASEAN vào tình thế hiểm nghèo.

Bài viết nhận định khi dứt khoát phản đối đưa diễn tiến tranh chấp biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị, sớm hay muộn Campuchia sẽ nhận ra đã gây phương hại đến uy tín ASEAN.

Và thay vì nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa các bên liên quan như các nước chủ tịch ASEAN đã làm trong quá khứ thì Campuchia lại đặt lợi ích riêng quốc gia trên tinh thần đoàn kết ASEAN.

Bài viết ghi nhận khi hội nghị AMM không thể ra tuyên bố chung, ASEAN không thể thực hiện hàng chục quyết định khác được thảo luận tại hội nghị vì không có biên bản chính thức.

Campuchia "gây hại" cho ASEAN ảnh 1

Biếm họa của báo Philippine Star (Philippines) ngày 15-7 sau khi hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 không thể ra tuyên bố chung vì Campuchia không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp biển Đông vào tuyên bố chung.

Bài viết khẳng định Campuchia sợ làm mích lòng Trung Quốc bởi Thủ tướng Campuchia Hun Sen hiểu rằng Trung Quốc sẽ là nguồn viện trợ to lớn để thúc đẩy kinh tế Campuchia phát triển.

Theo báo The Nation, tính thống nhất và đoàn kết của ASEAN là điều tối quan trọng đối với sự sống còn của ASEAN và nếu mỗi thành viên ASEAN chỉ biết chăm chút quyền lợi riêng như Campuchia thì ASEAN sẽ không có tương lai.

Trước đó, báo Inquirer của Philippines ngày 14-7 đã đăng bài bình luận với nhan đề Sự im lặng của ASEAN.

Bài viết nhận định hội nghị AMM có thể đã diễn ra sai thời điểm và địa điểm để các nước thành viên ASEAN thảo luận thoải mái các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.

Sai thời điểm vì Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo (Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội lần thứ 18 vào tháng 10).

Bài viết ghi nhận ở thời điểm nhạy cảm này, các nhà chính trị Trung Quốc đều cổ vũ kêu gọi bảo vệ quyền lợi quốc gia và bất kỳ chỉ trích nào của các nước láng giềng đối với Trung Quốc chỉ kích động thêm chủ nghĩa dân tộc của các phe phái đối đầu nhau ở Trung Quốc.

Sai địa điểm vì Campuchia không phải là nơi thích hợp để ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông. Lý do: Campuchia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và cần Trung Quốc như Philippines cần Mỹ.

Báo Inquirer ghi nhận chẳng có gì ngạc nhiên khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố hội nghị AMM đã đạt kết quả tốt đẹp vào ngày 13-7.

Báo Manila Standard Today của Philippines ngày 14-7 cũng đã đăng bài viết với nhan đề Campuchia bịt miệng ASEAN.

Bài viết nhận định Campuchia là đồng minh trung thành của Trung Quốc và Campuchia có thể đã bị Bắc Kinh tác động nên không chấp nhận đưa yêu cầu của Philippines đưa tranh chấp bãi cạn Scarborough vào tuyên bố chung của hội nghị AMM.

Bài viết cho rằng hội nghị AMM không đưa ra tuyên bố chung có thể nới rộng thái độ chia rẽ giữa Trung Quốc và Mỹ về các quy tắc giữ gìn hòa bình ở tuyến giao thương hàng hải biển Đông.

Báo New York Times (Mỹ) ngày 13-7 dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên khẳng định: Trung Quốc đã mua nước chủ tịch ASEAN. Đơn giản là vậy! Nhà ngoại giao này dẫn chứng một bản tin đăng trên Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 12-7 cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cảm ơn Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ủng hộ “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm