Chuyên gia: Mỹ cấm vận dầu, Nga vẫn có thể chuyển hướng sang thị trường khác

Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Sovereign Wealth Management, ông Gary Korolev hôm 9-3 cho biết việc Mỹ cấm vận dầu của Nga có thể sẽ thúc đẩy Moscow chuyển hướng mạnh mẽ hơn sang châu Á và các thị trường khác không phải phương Tây, hãng Sputnik đưa tin.

“Mặc dù lệnh cấm vận này thực sự gây ra nhiều vấn đề, nhưng Nga vẫn có những nơi khác để họ có thể bán dầu của mình, bao gồm cả châu Á và châu Âu, tùy thuộc vào các biện pháp trừng phạt của châu Âu khắc nghiệt hay mềm mỏng như thế nào” - ông Korolev nhận định.

"Các biện pháp trừng phạt này có thể khiến Nga chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa đối với châu Á và các thị trường không liên kết với phương Tây” - Giám đốc điều hành Sovereign Wealth Management cho hay.

Theo ông Korolev, dù nền kinh tế Nga sẽ phải lãnh nhận những hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, song quốc gia này chỉ xuất khẩu 8% lượng dầu mỗi ngày của mình đến Mỹ. 

Tổng thống Mỹ hôm 8-3 đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga để trả đũa chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Ảnh: RT

Trước đó, hôm 8-3, trong nỗ lực trừng phạt “nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ một trong những cường quốc của thế giới để trả đũa chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Ngay sau thông báo của Tổng thống Biden, mức lạm phát đáng kinh ngạc và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá xăng ở Mỹ tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục 5 USD/gallon (gần 19 lít).

Tác động của lệnh cấm vận đối với Mỹ và thị trường toàn cầu

Khi được hỏi về tác động của lệnh cấm đối với giá xăng ở Mỹ và nền kinh tế nước này, ông Korolev cho biết “khi giá xăng tăng vọt và kéo dài sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái".

"Một khía cạnh tích cực trong dài hạn đối với nền kinh tế Mỹ là có thể chính phủ Washington sẽ sẵn sàng chi tiêu hơn cho cơ sở hạ tầng năng lượng để giảm bớt hoặc loại bỏ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu” - ông Korolev nói.

Giám đốc điều hành Sovereign Wealth Management cho biết thêm rằng một khi giá khí đốt tăng cao sẽ đồng nghĩa với việc tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thấp hơn và người dân sẽ có ít tiền hơn để chi tiêu do phải tập trung nguồn tiền vào việc mua khí đốt.

“Điều đó cũng có nghĩa là chi phí đầu vào của mọi sản phẩm và dịch vụ sẽ tăng cao hơn do chi phí hậu cần cao hơn” - ông Korolev giải thích.

Ngay sau khi Tổng thống Biden ban lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, giá xăng ở Mỹ đã tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục 5 USD/gallon. Ảnh: ABC NEWS

Liên quan đến hiệu lực của lệnh cấm đối với thị trường và giá dầu toàn cầu, ông Korolev tin rằng lệnh cấm này sẽ chỉ giữ giá dầu ở mức cao, trong khi có thể góp phần làm giảm giá dầu ở chính nước Nga.

"Chúng tôi không thể dự đoán được mức giá dầu tăng sẽ được duy trì hay kéo dài trong bao lâu, nhưng mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột Ukraine chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến nguồn cung dầu toàn cầu" - ông Korolev nhấn mạnh.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga được tiến hành để đáp trả chiến dịch quân sự của chính quyền Moscow tại Ukraine, được tiến hành từ ngày 24-2 cho đến nay.

Trước những hành động của chính phủ phương Tây, nhiều công ty và doanh nghiệp đa quốc gia đã thông báo quyết định rời khỏi thị trường Nga hoặc tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh tại quốc gia này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm