Hạm đội Thái Bình Dương không muốn đối đầu

“Hạm đội Thái Bình Dương vẫn tập trung tìm kiếm hợp tác trong khu vực Thái Bình Dương chứ không muốn đối đầu”. Đô đốc Samuel J. Locklear III, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, khẳng định tại cuộc họp báo ngày 6-12 (giờ địa phương) tại Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, Đô đốc Samuel J. Locklear III cho biết hạm đội Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược tái cân bằng lực lượng đến Thái Bình Dương và chiến lược này không nhắm vào quốc gia hay khu vực nào.

Đô đốc nhận định tái cân bằng lực lượng không chỉ đơn thuần là tập trung, di chuyển binh sĩ và khí tài mà là tái điều chỉnh các mối quan hệ. Ông ghi nhận nhiệm vụ của hạm đội Thái Bình Dương là củng cố quan hệ trong khu vực, điều chỉnh đặc điểm, phát triển các khái niệm, năng lực và khả năng mới của quân đội Mỹ nhằm giữ gìn ổn định an ninh và bảo vệ quyền lợi Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hạm đội Thái Bình Dương không muốn đối đầu ảnh 1

Đô đốc Samuel J. Locklear III trả lời tại cuộc họp báo ngày 6-12 (giờ địa phương) tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Nhận định về vấn đề tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông, Đô đốc Samuel J. Locklear III kêu gọi các bên tranh chấp thông qua con đường ngoại giao và các diễn đàn pháp lý nhằm đạt được giải pháp hợp lý, tránh vận dụng vũ lực và cưỡng bức dẫn đến xung đột. Ông xác định Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp.

Trong ngày 6-12, tại cuộc họp báo ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ), khi được hỏi về những động thái mới của Trung Quốc nhằm khăng khăng bảo vệ đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói: “Chúng tôi đã nêu lập trường rõ ràng nhiều lần. Chúng tôi nhận thức rõ có tranh chấp chủ quyền ở nhiều khu vực ở biển Đông. Ấn Độ không phải là một bên trong tranh chấp nhưng chúng tôi ủng hộ quyền tự do hàng hải, quyền đi qua vô hại và tiếp cận tài nguyên trong khu vực”.

Trong khi đó, ngày 7-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã thông báo hoãn cuộc đàm phán cấp thứ trưởng Ngoại giao của bốn nước ASEAN (Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei) tại Manila về vấn đề biển Đông vào ngày 12-12.

Theo báo Inquirer (Philippines), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết lý do hoãn không phải vì bị áp lực từ một nước nào mà vì các nước được mời không thu xếp được lịch trình thống nhất. Ông nói bốn nước sẽ tiếp tục nghiên cứu lịch trình thuận tiện để tổ chức cuộc đàm phán này.

Philippines đã đề xuất họp bốn nước nhằm thống nhất lập trường về vấn đề biển Đông trước khi đàm phán với Trung Quốc.

Liên quan đến quy định xét tàu, ngày 6-12, hãng tin Reuters cho biết ông Hoàng Nông, Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu chính sách và luật biển tại Viện Nghiên cứu quốc gia biển Hoa Nam (Trung Quốc), khẳng định quy định đã được soạn thảo cách đây một năm và không phải do chính quyền trung ương chỉ đạo. GS Chu Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở ĐH Bắc Kinh, nhận định quy định xét tàu ở biển Đông và hộ chiếu mới của Trung Quốc không thể hiện thái độ mới của chính phủ Trung Quốc.

THẠCH ANH - ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm