Hàn Quốc triển khai tên lửa sát biên giới

Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 18-3 dẫn nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết đầu tháng 4 tới, quân đội Hàn Quốc sẽ triển khai tên lửa Spike NLOS do Israel sản xuất tại hai đảo Baeknyeong và Yeonpyeong sát biên giới biển với CHDCND Triều Tiên. Mục đích nhằm đối phó với pháo ven biển của CHDCND Triều Tiên.

Úc ủng hộ, Trung Quốc phản đối

Báo Chosun Ilbo cho hay tên lửa Spike hiện tại của Hàn Quốc không còn phù hợp với điều kiện thời tiết nhiều sương mù tại hai đảo trên. Nguồn tin tiết lộ quân đội Hàn Quốc đã mua khoảng 60 tên lửa Spike NLOS và hai máy phóng tên lửa của Israel với kinh phí 58 tỉ won (1.092 tỉ đồng VN).

Liên quan đến tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel rằng đến năm 2017, Mỹ sẽ bố trí thêm 14 khẩu đội tên lửa đánh chặn tại bang Alaska để đối phó với CHDCND Triều Tiên, ngày 18-3, Ngoại trưởng Úc Bob Carr tuyên bố Úc ủng hộ kế hoạch trên của Mỹ.

Báo The Australian (Úc) cho biết phát biểu của Ngoại trưởng Bob Carr được đưa ra trước chuyến thăm Mỹ của ông trong 10 ngày. Dự kiến CHDCND Triều Tiên là chủ đề quan trọng trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Bob Carr và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel.

Trong khi đó, ngày 18-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố kế hoạch tăng cường các khẩu đội tên lửa của Mỹ chỉ làm gia tăng thêm thái độ thù địch trên bán đảo Triều Tiên và không đưa ra được biện pháp giải quyết vấn đề.

Hàn Quốc triển khai tên lửa sát biên giới ảnh 1

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter họp báo sau hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin tại Seoul ngày 18-3. Ảnh: AP

Người phát ngôn nói Trung Quốc hy vọng Mỹ hành động trên cơ sở hòa bình, ổn định, có thái độ có trách nhiệm và hành động một cách cẩn trọng.

Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết đã thông báo trước với Trung Quốc về kế hoạch bố trí thêm các khẩu đội tên lửa đánh chặn.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Hàn Quốc

Trong khi đó, ngày 18-3, trong chuyến thăm hai ngày đến Seoul (Hàn Quốc), Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó ở Seoul, Thứ trưởng Ashton Carter trấn an Hàn Quốc rằng vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến chuyện Mỹ hỗ trợ cho Hàn Quốc.

Thứ trưởng Ashton Carter nhận định những lời lẽ đe dọa của Bình Nhưỡng chỉ làm sâu sắc thêm cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Hàn Quốc và chỉ làm CHDCND Triều Tiên ngày càng bị cô lập hơn. Ông cam kết “ô dù hạt nhân” của Mỹ sẽ đủ sức bảo vệ Hàn Quốc.

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), ông Ashton Carter khẳng định Mỹ vẫn duy trì chiến lược tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đủ nguồn lực để làm việc này và Mỹ ưu tiên cung cấp mọi nguồn lực để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.

Ông nói bằng chứng là ngày 19-3 tới, quân đội Mỹ sẽ tổ chức bay huấn luyện máy bay ném bom B-52 gần bán đảo Triều Tiên. Đài Tiếng nói Mỹ (VOA) nhận định thông báo báo trước của Thứ trưởng Ashton Carter là điều bất thường.

Ai chỉ huy CHDCND Triều Tiên?

Trả lời kênh truyền hình CNN (Mỹ) ngày 17-3 (giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cảnh báo Bình Nhưỡng đang sở hữu tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới bờ biển Mỹ.

Ông cho rằng đe dọa của CHDCND Triều Tiên nhằm buộc Mỹ phải có bước đi thận trọng hơn khi ngăn cản CHDCND Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ông thừa nhận hiện Mỹ có rất ít thông tin về nhà lãnh đạo Kim Jong-un so với ông Kim Jong-il trước đây.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề ổn định của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Ông nhận định ông Kim Jong-un đang tìm cách chứng tỏ bản thân với quân đội trong khi các tướng lĩnh quân đội mong muốn khẳng định vai trò và quyền lợi của họ.

Ông ghi nhận hai yếu tố kết hợp lại rất nguy hiểm cho tình hình an ninh ở bán đảo Triều Tiên. Ông nói Mỹ không dám chắc CHDCND Triều Tiên sẽ không thực hiện lời đe dọa chống Mỹ, trong đó có đe dọa tấn công phủ đầu bằng hạt nhân.

Chuyên gia Victor Cha ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho biết những hành động gần đây của CHDCND Triều Tiên làm dấy lên cuộc tranh luận rằng ông Kim Jong-un hay quân đội đang thực sự cầm quyền.

Ông cho rằng các sự kiện CHDCND Triều Tiên hủy thỏa thuận đình chiến năm 1953 với Hàn Quốc hay đe dọa tấn công các đảo biên giới của Hàn Quốc có thể là dấu hiệu khẳng định quyền lực của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy có một số tướng đang gây xáo động bên trong bộ máy vì họ không thích một thanh niên 28 tuổi điều hành đất nước.

Nguyên Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Donald Gregg tiết lộ các đầu mối liên lạc CHDCND Triều Tiên của ông cho biết Bình Nhưỡng đã mất niềm tin vào giới ngoại giao và giờ đây quân đội đang kiểm soát CHDCND Triều Tiên. Họ nói Bình Nhưỡng muốn đàm phán một hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thay cho thỏa thuận đình chiến năm 1953.

Ngày 18-3, Ban Thư ký Ủy ban Thống nhất hòa bình tổ quốc (CHDCND Triều Tiên) đã công bố sách trắng chỉ trích Hàn Quốc ủng hộ nghị quyết của Liên minh châu Âu kêu gọi Hội đồng nhân quyền LHQ mở cuộc điều tra sâu về vi phạm nhân quyền tại CHDCND Triều Tiên. Sách trắng cho rằng tại Hàn Quốc, các quyền của người dân đang bị lạm dụng nghiêm trọng bởi hàng loạt thỏa thuận và hiệp định giữa Hàn Quốc với Mỹ.

LÊ LINH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm