Hung thủ thản nhiên trò chuyện với mục sư rồi xả súng

Ông thừa nhận trước mắt Quốc hội khó có thể sửa đổi ngay luật về kiểm soát súng. Ông kêu gọi người dân nên xem xét lại vấn đề sử dụng súng ở Mỹ.

Ông nhận xét vụ xả súng mang ý nghĩa đặc biệt đối với vợ chồng ông vì ông và phu nhân Michelle quen biết mục sư Clementa Pinckney, nghị sĩ Thượng viện bang Nam Carolina, một trong chín nạn nhân bị bắn chết.

Máy ghi hình đã ghi được hình ảnh hung thủ và số xe nên công tác nhận dạng khá dễ dàng. Kênh truyền hình NBC News đưa tin hung thủ tên Dylann Roof, 21 tuổi (da trắng), cư trú ở Columbia (bang Nam Carolina) cách hiện trường 2 giờ xe chạy.

Một nhân chứng thuật lại một tiếng trước khi gây án vào tối 17-6, Dylann Roof đến nhà thờ ở Charleston yêu cầu gặp mục sư Clementa Pinckney và ngồi nói chuyện trước khi điên cuồng bắn giết các tín hữu. Báo Post and Courierđịa phương cho biết hắn nạp đạn năm lần và xả súng bất chấp các nạn nhân van xin tha mạng.

Sau khi gây án, Dylann Roof tẩu thoát trên ô tô hòm màu đen. 14 tiếng sau hắn bị bắt tại Shelby (bang Bắc Carolina) cách đó 400 km khi cảnh sát kiểm tra trên đường (ảnh). Trong người hắn có khẩu súng lục 45 mm là quà tặng sinh nhật năm 21 tuổi. Cảnh sát cho biết Dylann Roof đã bị bắt giữ hai lần vì liên quan đến ma túy.

Dylann Roof đã đưa lên Facebook ảnh hắn mặc áo vét có in quốc kỳ Nam Phi thời chế độ phân biệt chủng tộc và quốc kỳ Rhodesia ngày trước (nay là Zimbabwe). Đây là hai chế độ sùng bái sự ưu việt của người da trắng.

Nhà thờ Emanuel ở Charleston là một biểu tượng trong lịch sử cộng đồng da đen ở miền Nam nước Mỹ. Nhà thờ được xây dựng trong thập niên 1700, nơi những người nô lệ đến cầu nguyện.

Năm 1822, Denmark Vesey là nô lệ đã tự do, một trong những người sáng lập nhà thờ, định tổ chức nổi dậy chống các chủ nô da trắng để giải phóng nô lệ và đưa họ xuống tàu sang Haiti. Kế hoạch bại lộ, Denmark Vesey bị treo cổ, nhà thờ bị thiêu rụi. Sau nội chiến kết thúc năm 1865, nhà thờ được xây lại, sau đó lại được xây dựng lần nữa sau động đất năm 1886.

Tổng thống Obama đã nhận xét: “Nơi đây còn hơn là một nhà thờ. Đây là nơi cầu nguyện do những người Mỹ gốc Phi lập ra trên con đường tìm đến tự do”.

H. DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm