Israel-Palestine khó ngồi lại

Đây là sáng kiến của Tổng thống Obama. Cuộc họp đầu bàn về viện trợ kinh tế cho Palestine và cuộc họp thứ hai của bốn bên (LHQ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga) thảo luận về khởi động lại đàm phán hòa bình Trung Đông.

Nhằm phối hợp thực hiện sáng kiến của Mỹ, đầu tuần này đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Trung Đông George Mitchell đã lên đường sang Paris (Pháp) trước khi bay đến Jerusalem (Israel) và Ramallah (Palestine). Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã trao đổi trước với ngoại trưởng các nước Trung Đông và châu Âu.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã ấn định lộ trình thực hiện sáng kiến nêu trên. Về thời gian, trong tối đa hai năm sẽ ký kết hiệp định hòa bình Israel-Palestine. Trong thương lượng, ưu tiên giải quyết hai vấn đề mắc mứu là đường biên giới và vấn đề Jerusalem.

Israel-Palestine khó ngồi lại ảnh 1

Biếm họa của Carlos Latuff.

Công thức đàm phán là giải quyết hài hòa giữa mục tiêu của Palestine (thành lập một quốc gia độc lập dựa trên nền tảng đường biên giới năm 1967 có thỏa thuận về ranh giới thích hợp) với mục tiêu của Israel (biên giới có thể hiện diễn biến sau năm 1967 và bảo đảm an ninh cho Israel).

Dự kiến trong hiệp định sẽ có chương về quan hệ Israel-Syria, chương về quan hệ Israel-Lebanon, cũng như chương về bình thường hóa quan hệ toàn diện Israel-các nước Ả Rập.

Trong hành trang của đặc phái viên George Mitchell có hai bức thư của tổng thống minh định quan điểm của Mỹ về hồ sơ Israel-Palestine. Trong thư gửi Palestine, Mỹ chỉ trích Israel xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất Palestine và nhấn mạnh đường biên giới năm 1967 chính là nền tảng cho hiệp định hòa bình. Thư gửi Israel lại nhấn mạnh cần phải tính đến những thay đổi dân số từ năm 1967 của Israel, hàm nghĩa đồng ý cho Israel giữ lại một phần các khu định cư Do Thái.

Với quan điểm ấy, khó lòng nói Palestine sẽ chấp nhận bởi Palestine đã đưa ra điều kiện tiên quyết để đàm phán là đóng băng hoàn toàn chính sách xây dựng các khu định cư Do Thái.

Dưới sức ép của Mỹ, cuối tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố tạm ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái trong 10 tháng. Tuy nhiên, quyết định này lại không bao gồm khu Đông Jerusalem, 3.000 căn hộ ở bờ Tây và cơ sở hạ tầng tập thể (trường học, cơ quan chính quyền, đền thờ) đang xây dựng.

Hồi tháng 6-2009, trong phát biểu được đánh giá là quan trọng đối với thế giới Hồi giáo tại Cairo (Ai Cập), Tổng thống Obama đã tuyên bố các khu định cư Do Thái là bất hợp pháp. Bây giờ ông lại gợi ý để cho Israel duy trì một phần khu định cư với lý do “có thay đổi dân số”. Thái độ nhượng bộ này của ông Obama không khác gì thư của Tổng thống Bush gửi cho Thủ tướng Israel Ariel Sharon ngày 14-4-2004.

Hai cuộc họp cấp cao về Trung Đông theo sáng kiến của Mỹ liệu có kết quả?

Nhiều nhà quan sát đã tỏ ra bi quan bởi quan điểm của Israel và Palestine vẫn còn khoảng cách.

• Ngày 11-1, Hamas hăm dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu Israel chiếm khu vực biên giới giữa dải Gaza và Ai Cập. Có tin Israel chuẩn bị đưa quân đến khu vực này để ngăn chặn buôn lậu vũ khí vào dải Gaza.

• Mỹ có thể tăng gấp đôi giá trị vũ khí của Mỹ ở Israel lên 800 triệu USD theo hiệp định ký kết giữa Mỹ với Israel hồi tháng 12 năm ngoái. Lầu Năm Góc loan báo như trên ngày 11-1. Nếu Mỹ đồng ý, Israel vẫn có thể sử dụng kho vũ khí này.

• Ngày 11-1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đồng thanh lên án Israel vi phạm không phận Lebanon và sử dụng vũ lực bất tương xứng đối với người Palestine.

NGỌC LONG (Theo AFP, le Monde, Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm