LHQ nóng ruột tình hình ly loạn Libya

“Chúng ta có thể tiếp tục làm việc trong nhiều ngày, nhiều tháng để đạt đến một thỏa thuận hoàn hảo, thế nhưng Libya không có thời gian”.

Nhà ngoại giao Tây Ban Nha Bernardino Leon (đặc phái viên của LHQ về Libya) đã giải thích với báo giới như trên bên lề hội nghị đàm phán hòa bình giữa hai phái đoàn của chính phủ Libya và dân quân Libya tại Berlin (Đức) hôm 10-6 (giờ địa phương).

AFP đưa tin ngoài 23 đại diện của phía Libya, tham dự hội đàm còn có năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Đức, Ý, Tây Ban Nha, EU và LHQ (được gọi là hội đàm theo thể thức P5+5).

Trong hội đàm, đặc phái viên LHQ Bernardino Leon đã trình bày đến bản sửa đổi lần thứ tư về thỏa thuận hòa bình nhưng hai bên Libya vẫn chưa đồng ý.

Ở Trung Đông trong tháng 5, Nhà nước Hồi giáo đã chiếm TP Ramadi ở Iraq và thành cổ Palmyra ở Syria. Hôm 9-6 vừa qua, chúng tiếp tục đánh chiếm TP Sirte ở Libya (Bắc Phi).

Báo Le Temps (Thụy Sĩ) ghi nhận sự kiện chiếm Sirte không ngoài dự đoán. Từ tháng 10-2014, một nhóm Hồi giáo cực đoan đóng tại miền Đông Libya đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Ngoại trưởng nước chủ nhà Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) và đặc phái viên LHQ Bernardino Leon tại hội đàm về Libya ở Berlin ngày 10-6. Ảnh: AP

Ngày 27-1, sau khi kiểm soát Derna ở miền Đông, chúng đã tổ chức một vụ tấn công ngoạn mục vào khách sạn Corinthia ở thủ đô Tripoli, nơi thường xuyên tiếp đón các nhà ngoại giao, các quan chức Libya và người nước ngoài.

Chúng kích hoạt cho xe bom phát nổ trước khách sạn rồi ba tên lao vào khách sạn nổ súng loạn xạ. Vụ tấn công kết thúc khi ba tên cố thủ ở tầng 24 cho nổ đai bom tự sát. Tổng cộng có chín người chết, trong đó có bốn khách nước ngoài (Mỹ, Pháp, Philippines).

Chi nhánh Nhà nước Hồi giáo ở Libya đang lấn chiếm dần các vùng đất nhỏ dọc Địa Trung Hải và ven sa mạc Sahara. Sau Derna ở miền Đông, chúng đánh chiếm Sabratha ở miền Tây, Noufliyeh và một số vùng lõm trong sa mạc ở miền Trung và bây giờ là Sirte.

Tương tự như ở Syria và Iraq, cánh Nhà nước Hồi giáo ở Libya đã củng cố lực lượng nhờ chính quyền trung ương ở Libya suy yếu.

Sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi tháng 8-2011, Libya rơi vào tình trạng vô chính phủ. Hàng chục lực lượng dân quân mặc sức lộng hành.

Hiện nay tại Libya có hai chính phủ và hai cơ quan lập pháp hoạt động song song. Lực lượng dân quân Fajr Bibya đang kiểm soát thủ đô Tripoli, còn chính phủ được quốc tế công nhận lại phải di tản về miền Đông (Tobruq).

Thật ra cả hai phe đều ý thức được tầm nguy hiểm của Nhà nước Hồi giáo. Cuối tháng 5, Quốc hội chính thống ở miền Đông đã kêu gọi tránh để Libya rơi vào kịch bản như ở Iraq.

Quốc hội tự phong ở Tripoli cũng kêu gọi các nước giúp đỡ về hậu cần và tình báo để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo.

LHQ đã ban bố lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya do lo ngại vũ khí rơi vào tay bọn xấu. Như vậy xem như Libya không đủ vũ khí và điều này vô tình đã tạo thời cơ cho Nhà nước Hồi giáo.

Ngày 10-6, Hội đồng Bảo an LHQ, Đức, Ý, Tây Ban Nha, EU và LHQ đã ra thông cáo chung kêu gọi hai phái đoàn Libya nhanh chóng đạt thỏa thuận hòa bình bởi lẽ tình hình rất cấp bách, Nhà nước Hồi giáo đang lăm le chiếm Libya. Cộng đồng quốc tế đã cam kết nếu hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình thì sẽ hỗ trợ Libya trong đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, vực dậy kinh tế và xã hội Libya.

450 binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai đến Iraq để huấn luyện cho quân đội Iraq đánh Nhà nước Hồi giáo, nâng tổng số 3.550 binh sĩ Mỹ ở Iraq. Ngày 10-6, Tổng thống Obama đã quyết định như trên.

____________________________________

Đàm phán lần này có thể là cơ hội cuối cùng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Libya.

Ngoại trưởng Đức FRANK-WALTER STEINMEIER

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm